TS. Nguyễn Hoài Nguyên

                                                                              Trường Đại học Vinh

1. Đặt vấn đề

1.1. Hiện tại, Nguyễn Nhật Ánh đang giữ một vị trí đặc biệt trong mảng văn học dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn. Ông được nhiều người tôn vinh là hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ. Còn nhà văn Nguyễn Quang Lập nhận xét: Có thể nói mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh như mỗi chuyến tàu về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa, mỗi toa là mỗi bất ngờ mỗi thú vị mỗi háo hức mỗi say mê, khi làm ta bật cười, khi làm ta rưng rưng, hoặc ngồi lặng đi suy ngẫm [Tuổi trẻ, 8.12.2010]. Đọc bộ Kính vạn hoa và hàng loạt tập truyện dài viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh, chúng ta dễ đồng tình với các ý kiến trên.

        Ngoài mảng văn xuôi viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh còn khẳng định tài năng qua nhiều thể tài khác như thơ, truyện thần tiên phù phủ, bình luận bóng đá, tạp văn,…, trong đó, tạp văn - thể văn khiêm nhường nhưng đã gắn bó với anh hàng chục năm. Đọc tạp văn Nguyễn Nhật Ánh, dễ nhận thấy nhà văn sử dụng thành thạo, thể hiện được sự tinh tế và trong sáng của tiếng Việt. Ngôn từ trong tạp văn của ông trong sáng như nó vốn có, như lời ăn tiếng nói hàng ngày, không lên gân, không màu mè son phấn, làm dáng phô trương. Làm nên nét riêng ngôn ngữ tạp văn Nguyễn Nhật Ánh là giọng văn thủ thỉ tâm tình nhưng đằm thắm và giàu tính nhân văn, dẫn dụ người đọc đi vào từng miền sâu thẳm của kí ức, từng tầng vỉa những vấn đề thực tại của đời sống.       

1.2. Nhìn chung, những nghiên cứu về văn xuôi nói chung, tạp văn nói riêng của Nguyễn Nhật Ánh là chưa nhiều. Các bài viết đã công bố, chủ yếu chỉ giới thiệu các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh từ góc độ phê bình văn học. Gần như, chưa có một công trình nào nghiên cứu các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có hệ thống từ góc nhìn ngôn ngữ học. Bài viết này, chúng tôi khảo sát vẻ đẹp từ ngữ nhằm góp phần chứng tỏ ngôn từ tạp văn Nguyễn Nhật Ánh giản dị mà sâu lắng, giàu chất thơ, thực sự có cá tính. Tư liệu khảo sát gồm ba tạp văn: Người Quảng đi ăn mì Quảng [I], Sương khói quê nhà [II], Thương nhớ Trà Long [III].

2. Vẻ đẹp ngôn từ trong tạp văn Nguyễn Nhật Ánh

2.1. Thực tế sáng tạo văn chương cho thấy, cách thức tổ chức (thể loại) quyết định sự lựa chọn vật liệu. Do đó, nếu như từ ngữ trong thơ được lựa chọn do nhiều áp lực (cảm hứng, cá tính sáng tạo, thể thơ, âm luật,…) thì trong văn xuôi, chúng được sử dụng ít bị ràng buộc hơn, chấp nhận mọi lớp từ, mọi biến thái, mọi chiều kích trong vốn liếng tiếng nói dân tộc để tạo nên tín hiệu thẩm mĩ. Khảo sát các bài tạp văn, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Nhật Ánh rất dụng công trong sử dụng các lớp từ tiếng Việt, đặc biệt là từ hội thoại, từ Hán Việt (xét về mặt phong cách), từ láy, từ ghép (xét về mặt cấu tạo). Xuống dưới, chúng tôi tập trung khảo sát hai lớp từ ngữ đặc sắc nhất là từ hội thoại và từ láy.

2.2. Từ hội thoại là những từ được dùng đặc biệt trong lời nói miệng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong đối thoại [3, 22]. Khi thống kê, chúng tôi xem những từ cổ, từ địa phương cũng thuộc từ hội thoại. Trong 101 bài tạp văn, Nguyễn Nhật Ánh sử dụng 112 từ hội thoại, có 176 lần xuất hiện. Các từ hội thoại có tần số xuất hiện cao như nhưn (10 lần), con nít (8 lần), sướng rêm (6 lần), cà chớn (5 lần), tréo ngoe (4 lần), mần (5 lần), mó tay (3 lần), ngồi xổm (3 lần), è cổ (3 lần), gọn lỏn (2 lần), rác rến (2 lần), hổng lẽ (2 lần), v.v..       

        Trong các bài tạp văn, Nguyễn Nhật Ánh dùng từ hội thoại theo các kiểu cấu tạo khác nhau; mỗi kiểu mang một màu sắc tu từ thể hiện sắc thái biểu cảm và cảm xúc riêng. Có những từ hội thoại được cấu tạo theo kiểu dùng một yếu tố đa phong cách kết hợp với một yếu tố, khi đứng riêng thì không có nghĩa như cũ xì, sướng rêm, mừng rơn, tréo ngoe, mốc thếch, gọn lỏn, trắng nhởn, v.v.. Những từ này mang tính miêu tả cụ thể và sắc thái đánh giá mức độ cao. Chẳng hạn: (1) Người lớn vẫn nói những từ văn hoa “năm mới, ngày mới, xuân mới, nắng mới” nhưng nếu không có áo mới, đối với trẻ con, những cái mới kia lập tức sẽ cũ xì [III, 32]. (2) Nào ngờ, tới một ngày thầy giáo khen tôi học giỏi môn địa lý khiến tôi sướng rêm [III, 195]. (3) Trong giấc mơ, tôi chỉ lượm được tiền xu, thứ tiền trẻ em đánh đáo, vậy mà tôi đã mừng rơn [II, 94].

         Ở các ví dụ trên, Nguyễn Nhật Ánh hồi tưởng lại năm tháng tuổi thơ với những buồn vui xen lẫn. Từ cũ xì (ví dụ 1) cho ta thấy suy nghĩ và tâm trạng buồn chán của những đứa trẻ nghèo không có quần áo mới mỗi khi tết đến xuân về. Nhưng các từ sướng rêm (ví dụ 2), mừng rơn (ví dụ 3) lại là niềm hân hoan tột đỉnh mỗi khi được thầy cô khen vì học giỏi, vì lượm được những đồng xu dù chỉ trong giấc mơ. Có trường hợp, Nguyễn Nhật Ánh dùng kiểu kết hợp một yếu tố đa phong cách với một yếu tố có nghĩa nhưng chỉ sử dụng trong giao tiếp khẩu ngữ để miêu tả cụ thể và dụng ý nhấn mạnh. Các kết hợp như rùn người, ngoác miệng, mó tay, è cổ, trố mắt, mỏi giò,… xuất hiện hết sức tự nhiên trong tạp văn Nguyễn Nhật Ánh. Chẳng hạn: (4) Cuộc đời cũng vậy thôi, đôi khi trong một tích tắc ta phải quyết định nhảy lên hay rùn người thấp xuống, cái quyết định nhiều lúc chính ta cũng không hiểu tại sao [I, 113]. (5) Thế nhưng tôi cứ thích gói bánh, bị người lớn gạt ra là ngoác miệng nức nở rất ghê để lại được mó tay vào thúng nếp [III, 29]. (6) Một ông Tây dắt hai đứa con nít vô quán ngồi kêu món cá hấp cuốn bánh tráng khiến cả thực khách, nhân viên trong quán lẫn tôi đang ngồi bàn bên cạnh đều trố mắt ngạc nhiên [III, 76].

     Ở ví dụ (4), rùn trong rùn người là hạ thấp, khom (lưng) xuống; ở ví dụ (5), ngoác trong ngoác miệng là há to ra, trong mó tay là bỏ vào, là tham gia; còn trố trong trố mắt ở ví dụ (6) là mở to mắt, chỉ sự ngạc nhiên quá mức. Các từ hội thoại rùn người, ngoác miệng, mó tay, trố mắt, con nít (trẻ con), kêu (gọi) làm cho nội dung miêu tả của các câu văn vừa hết sức cụ thể, sinh động, vừa hàm ý nhấn mạnh nội dung.

      Những từ ngữ hội thoại giàu màu sắc biểu cảm, cảm xúc như (ngồi) chồm hổm, (dòm) hau háu, đỏ lơ đỏ lưỡng, (tiếc) hùi hụi, (sai) bét bè be, ba cọc ba đồng, dẻo miệng,… đi vào câu văn Nguyễn Nhật Ánh rất tự nhiên. Chẳng hạn: (7) Ngồi chồm hổm, tay khoanh trước bụng, ánh mắt thèm thuồng dòm hau háu bàn tay đang gọt thơm của mẹ, sớm muộn gì cũng được mẹ động lòng chia cho một miếng [III, 16]. (8) Người chồng sẽ không thấy được hình ảnh người vợ xách giỏ đồ chợ bước vô nhà, mồ hôi bết tóc, mặt mày đỏ lơ đỏ lưỡng [II, 98]. (9) Người thủa nhỏ thường ăn mì tôm nhất quyết mì Quảng nhưn gà là lai căng vô lối, phải nấu như quán bà Cả Ngô ở đầu làng tôi mới đúng, người lớn lên trong mì gà lại một mực khăng khăng mì Quảng nấu tôm là sai bét bè be, cứ thế mà mặt đỏ tía tai [I, 63].

        Khá nhiều trường hợp, Nguyễn Nhật Ánh dùng các từ ngữ địa phương Nam Bộ để thể hiện cách nói, cách nghĩ mang màu sắc địa phương. Các từ ngữ địa phương Nam Bộ có các dạng thức như: dạng thức cổ của tiếng Việt: mần (làm), dòm (nhìn), nhưn (nhân), phỏng (bỏng), trợt (trượt),…; dạng thức đặc hữu Nam Bộ như: ăn nhín (ăn rất ít), thơm (dứa), củ nén (một loại hành), tét bánh (cắt bánh), quê kiểng (quê cảnh), gà mên (cặp lồng), rác rến (rác rưởi), hổng lẽ (không lẽ), nháy nhổm (nhấp nhổm), mậy (mày), lận (tròn vẹn), hổng dè (nào ngờ),…; dạng thức rút gọn kiểu Nam Bộ như: bển (bên ấy), ổng (ông ấy), ảnh (anh ấy), v.v.. Những dạng thức từ ngữ này được người Nam Bộ sử dụng hết sức tự nhiên trong giao tiếp hàng ngày. Nhiều từ ngữ địa phương Nam Bộ có tác dụng làm tinh tế hoá ý nghĩa, làm giàu thêm cho tiếng nói dân tộc. Do đó. trong các tạp văn, Nguyễn Nhật Ánh rất có ý thức sử dụng những từ ngữ giàu hơi thở đời sống để diễn đạt những khái niệm, vấn đề, sự việc phức tạp thành giản dị, dễ hiểu, đồng thời, bày tỏ thái độ, tình cảm chân thành, sâu sắc. Chẳng hạn: (10) Nghe thằng Đạt nói một hồi, tôi mới biết sửa đường theo kiểu nhà nghèo của ấp Mĩ Đức xét ra cũng chẳng to tát chi, không lát đá cũng không trải nhựa, chỉ vài ghe sỏi rải lên để người lớn đi mần, con nít đi học [I, 120]. (11) Cái trò chọc tức đó đứa nào cũng thích, nhưng cố bắt mình ăn nhín lại trong khi miệng đang thèm, bụng đang đói không phải đứa trẻ nào cũng làm được [III, 11]. (12) Tôi nheo mắt: Ông qua bển ở một tháng lận mà sao bảo một ngày? Quốc cười méo xẹo: Một tháng ở Mỹ cũng là cưỡi ngựa xem hoa thôi. Tôi chỉ viết theo cái ý “đi một ngày đàng học một sàng khôn” thôi [II, 84].

       Qua các ví dụ trên, ta thấy các từ hội thoại được nhà văn sử dụng trong các bài tạp văn như một công cụ lợi hại nhất để miêu tả, tái tạo hiện thực đời sống, tính cách nhân vật,… cũng như nhu cầu bộc lộ tình cảm, cảm xúc, thái độ của người viết

2.3. Từ láy được cấu tạo theo phương thức láy, đó là phương thức hoà phối ngữ âm bằng cách lặp lại một bộ phận hay toàn bộ hình thức ngữ âm của tiếng gốc [2]. Theo cách hiểu này, chúng tôi thống kê từ láy trong 101 bài tạp văn của Nguyễn Nhật Ánh. Kết quả, từ các tạp văn, có 2348 từ láy được sử dụng, có 2763 lần xuất hiện. Có thể nói, trong các tạp văn Nguyễn Nhật Ánh, từ láy xuất hiện dày đặc; nhiều từ láy xuất hiện với tần số cao. Trong các kiểu từ láy, từ láy hoàn toàn ít được sử dụng; trong các từ láy bộ phận, từ láy âm đầu xuất hiện nhiều hơn từ láy vần. Những từ láy xuất hiện nhiều lần là: thỉnh thoảng (11 lần), thầm thì (10 lần), hồi hộp (9 lần), phập phồng (9 lần), thảnh thơi (7 lần), háo hức (6 lần), rõ ràng (5 lần), thẩn thờ (4 lần), v.v..

         Nguyễn Nhật Ánh đã khai thác tối đa giá trị tạo hình, gợi cảm của từ láy trong các câu văn tạp văn. Trong một câu văn tạp văn, Nguyễn Nhật Ánh dùng kết hợp nhiều từ láy để diễn tả các trạng thái cảm xúc, các cung bậc tình cảm và thái độ của mình đối với hiện thực đời sống. Chẳng hạn, trong câu văn dưới đây, các từ láy ngắm nghía, ríu rít, lênh đênh, chầm chậm, chen chúc dùng để miêu tả không gian mênh mang sông nước Nam Bộ và bộc lộ cái nhìn trìu mến, tình cảm gắn bó với không gian sống của nhà văn.

    (13) Khách ngồi dọc băng ghế, tha hồ ngắm nghía cây cỏ hai bên bờ, ngắm chim vừa bay vừa kêu ríu rít trên đầu, ngắm lục bình trôi lênh đênh trên sóng nước khi phà chầm chậm trôi, ngắm ô tô chen chúc nhau khoang giữa như cá hộp [III, 74].

     Với Nguyễn Nhật Ánh, mảnh vườn nhà trong một ngày nắng đẹp, cái không gian sống hiện tại được mô tả thật sinh động, thật lung linh qua các từ láy dùng đúng lúc, đúng chỗ. Cũng từ cái không gian - mảnh vườn thực tại ấy thức dậy những kỉ niệm về mảnh vườn tuổi thơ trong kí ức: (14) Cùng với lũ chim sẻ lích chích, lũ ong bướm dập dìu, những con chuồn chuồn ớt đã cõng trên đôi cánh mỏng manh cả tuổi thơ nghịch ngợm và ngây ngô, lem luốc và hoa mộng của tôi rồi rủ nhau đậu xuống hồn tôi vào một ngày nắng đẹp [III, 209].

     Trong câu văn trên, các từ láy lích chích, dập dìu, mỏng manh, nghịch ngợm, ngây ngô, lem luốc đã ghép nối hai miền không gian hiện tại và quá vãng, diễn tả những hoài niệm về một tuổi thơ quê lấm lem bùn đất nhưng cũng không ít những dư vị ngọt ngào. Một câu văn mà có đến sáu từ láy, điều đó chứng tỏ cách dùng từ của Nguyễn Nhật Ánh là có sự dụng công. Từ không gian làng quê, không gian sông nước,… Nguyễn Nhật Ánh nhìn qua không gian thành phố. Ông đau đáu trước những bất cập trong cách tổ chức không gian đô thị. Ông thể hiện những suy tư trăn trở qua các từ láy trong câu văn: (15) Nhà cửa lố nhố, đường sá chật chội, rác rến ngổn ngang, khói bụi mù mịt, chẳng gì đẹp để ngắm, lại chẳng tiện để đi, công dân thành phố không thèm dạo chơi là phải lẽ, còn biết trách ai [I, 44].

      Trong các từ láy lố nhố, chật chội, rác rến, ngổn ngang, mù mịt thì từ rác rến là từ láy phương ngữ Nam Bộ, tương đương với từ rác rưởi (nghĩa khái quát: rác nói chung) trong tiếng Việt toàn dân. Các từ láy trong câu văn trên ngoài giá trị tạo hình còn là những điểm nhấn tạo nhạc điệu cho câu văn.

     Có nhiều trường hợp, Nguyễn Nhật Ánh dùng từ láy để miêu tả ngoại hình nhân vật, phác hoạ chân dung những người được nói đến. Đó là người mẹ của Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập báo Thanh niên: (16) Hai đứa nướng khoai ăn rồi lăn ra ngủ trong khi mẹ Khế đội nón xắn quần mải mê cặm cụi trên vạt ruộng sau nhà, cái hình ảnh người mẹ già lủi thủi, tần tảo nuôi đứa con côi cút như cánh cò cô đơn lặn lội trong ca dao đến bây giờ vẫn còn ám ảnh tôi ghê gớm [II, 116].

      Các từ láy mải mê, cặm cụi, lủi thủi, tần tảo là cùng trường nghĩa; chúng bổ sung cho nhau, cộng hưởng để vẽ nên hình dáng lam lũ, nhọc nhằn của người mẹ luôn vì con. Hình ảnh người mẹ của bạn mình hiện về thật sống động, gần gũi và thân quý.

     Cũng bằng các từ láy, Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả khá tinh tế về dáng vẻ nhởn nhơ của các bà vợ khi vào các nhà hàng, siêu thị và bộ dạng tội nghiệp của các ông chồng cùng đi làm phu khuân vác. Các từ láy rề rà, nấn ná, lếch thếch trong câu văn sau đây có tính tạo hình rất cao: (17) Cái sự rề rà, nấn ná của người phụ nữ bên các quầy hàng, các tủ kính, cái cách thử hết cái áo này đến cái áo khác là cái cách người đàn ông không hiểu nổi, người đàn ông thấy chóng mặt, thấy đầu váng hoa mắt, thấy việc ngồi hàng giờ trong quán cà phê bên kia đường để chờ dài cổ dù sao cũng đáng gọi là cuộc sống thần tiên nếu đem so với cực hình lếch thếch theo chân các bà [II, 64].

     Hồi cố về tuổi thơ của mình, Nguyễn Nhật Ánh tự hoạ chân dung bằng các từ láy rất phù hợp. Đó là một cậu bé nhà quê luôn thèm khát cái ăn, dù là một miếng thơm (dứa). Các từ láy chồm hổm, thèm thuồng, hau háu trong câu văn sau đây miêu tả một cách chi tiết tư thế nhếch nhác của đứa trẻ Nguyễn Nhật Ánh: (18) Ngồi chồm hổm, tay khoanh trước bụng, ánh mắt thèm thuồng dòm hau háu bàn tay đang gọt thơm của mẹ, sớm muộn gì cũng được mẹ động lòng chìa cho một miếng [III, 16].

      Nhiều trường hợp, các từ láy được sử dụng để dãi bày những tâm sự, bộc lộ những suy nghĩ, những hoài niệm tuổi thơ. Đó là những câu chuyện của bà, của bố kể trong giấc ngủ tuổi thơ đem đến cho tác giả một thế giới đầy âm thanh, màu sắc vừa ngọt ngào hấp dẫn, vừa trĩu nặng ưu tư. Các từ láy mới mẻ, lấp lánh, hồi hộp, lo lắng, gập ghềnh trong câu văn sau đây là những điểm nhấn ngữ nghĩa: (19) Chúng gieo vào đầu tôi những hình ảnh mới mẻ, một thế giới lấp lánh màu sắc, làm dậy lên những hồi hộp lo lắng, mửng vui qua số phận gập ghềnh của cô Tấm, những kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng [III, 88].

     Đó là cảnh nhà phải chống đỡ khi có gió bão, phải di chuyển nhiều mỗi khi con nước lên. Nỗi vất vả của ba mẹ và cả gia đình hằn sâu trong kí ức Nguyễn Nhật Ánh. Nỗi niềm ấy cũng được phô diễn bằng các từ láy: (20) Bây giờ nhớ lại cảnh ba mẹ tôi tất bật ghì mái nhà bằng dây thừng để gió đừng thổi bay đi, phải hì hục khuân đồ đạc trong nhà chất lên tấm phản hẹp mấp mé mực nước, bán chén và sách vở, mền gối và bếp lò, heo và gà… lung tung, vậy mà cuối cùng phải theo ghe xuồng chạy nạn lên gò đất cao chờ nước rút, lòng tôi không khỏi bâng khuâng, day dứt [III, 42].

       Các từ láy tất bật, hì hục, mấp mé, lung tung, bâng khuâng, day dứt dùng để nối quá khứ với hiện tại trong dòng suy nghĩ của Nguyễn Nhật Ánh. Trôi theo dòng hoài niệm tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh nhớ từ món ốc ruốc, nhớ cách mẹ chế biến đến mùi vị của món ăn dân dã cho đến thứ quà quê bánh ú mua ở những quán nghèo. Ngay cả trên đường đi công tác, nhìn thấy những quả thị bày bán bên đường, Nguyễn Nhật Ánh cũng nôn nao nhớ cây trái tuổi thơ, nhớ mùi thơm của thị chín quê nghèo. Những kỉ niệm tuổi thơ gọi về từ kí ức được neo lại trong các từ láy mà tác giả sử dụng thật khéo: (21) Ốc ruốc sau khi ngâm nước một đêm cho nhả cát, trụng nước sôi cho chín, trộn thêm gia vị gồm muối, sả, lá chanh, ớt bột,… lập tức thành món ăn vừa cay cay beo béo vừa mằn mặn, hương vị đậm đà thơm ngon khó tả [III, 186-187]. (22) Cầm tờ giấy bạc, chẳng đứa nào nhờ đứa nào mua giùm, chỉ háo hức muốn tự tay chìa tờ giấy bạc trước mặt bà hàng, sung sướng nói như reo “Bà bán cho con cái bánh ú” rồi môi giần giật, tay run run đón lấy cái bánh, mắt ngời ngời hạnh phúc [III, 9-10]. (23) Tôi đã đem những quả thị về nhà, đặt lên bàn viết để bồi hồi nghe hương thơm tuổi thơ quấn quýt và nghe quá khứ thao thiết vọng về [I, 12].

        Nguyễn Nhật Ánh hồi nhớ món mì Quảng đặc sản quê anh, nhớ cách người Quảng đi ăn mì Quảng. Qua cách anh dùng từ láy trong câu văn dưới đây, người đọc cũng sẽ trân trọng như anh và những người quê anh trân trọng món thổ sản quê mình.

      (24) Họ bước vào quán bán mì Quảng với bước chân run run, hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức, phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ [I, 64].

       Các từ láy run run, hồi hộp, thắc thỏm, háo hức, phập phồng là những từ gần nghĩa chỉ tâm trạng, chúng cộng hưởng để trân trọng giới thiệu cái cách người Quảng ăn mì Quảng. Họ không chỉ ăn bằng miệng, bằng vị giác hay khứu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm trạng. Họ ăn mì Quảng bằng cả tấm lòng, bằng bao nhiêu kỉ niệm ấu thơ ùa về trong tâm trí, bằng niềm vui của những người tha hương ngộ cố tri.

        Nguyễn Nhật Ánh cũng rất có ý thức dùng từ láy để miêu tả tính cách nhân vật mà trước hết là đặc tính hay cãi của người Quảng quê anh. Cái cách anh dùng các từ láy oang oang, cằn nhằn, càu nhàu ở câu văn dưới đây là xác tín “thương hiệu” Quảng Nam hay cãi.

       (25) Còn khi bắt gặp một thực khách người Quảng vừa ăn vừa oang oang nhận xét, đánh giá, phẩm bình, thậm chí cằn nhằn càu nhàu cái món họ đang ăn, bạn có thể quả quyết ngay là họ đang ăn mì Quảng [I, 61].

        Nguyễn Nhật Ánh dành nhiều bài tạp văn viết và giới thiệu bạn bè, những người viết cùng thế hệ với anh như Nguyễn Công Khế, Đỗ Trung Quân, Lê Giang, Chim Trắng, Cao Vũ Huy Miên, v.v.. Anh rất thấu hiểu bạn mình, nắm biết tính cách mỗi người. Chẳng hạn, với Đỗ Trung Quân, anh nhận ra tính ngang tàng, phóng khoáng, con người lang thang của bạn mình chỉ bằng mấy từ láy la cà, long nhong, nhớ nhung, linh tinh.

       (26) Đỗ Trung Quân là kẻ ham chơi, khoái la cà quán xá, khoái chạy xe long nhong ngoài phố nhiều khi chỉ nhớ nhung linh tinh [II, 83].

       Cũng có khi, giữa ồn ào phố chợ, giữa ba động của cuộc đời, Nguyễn Nhật Ánh muốn tìm một chốn thật yên tĩnh, thả hồn vào thiên nhiên để lòng lắng lại, thảnh thơi, an nhàn. Trong câu văn dưới đây, Nguyễn Nhật Ánh đã phác vẽ một không gian thật nhẹ, thật êm qua các từ đu đưa, lích chích, thơm tho, miên man, tí tách rất phù hợp với tính cách điềm tĩnh, ôn nhu, thanh thoát của anh.

      (27) Chiều ra ngoài vườn, mắc chiếc võng giữa hai gốc khế, vừa đọc sách vừa nằm đu đưa, tai nghe chim hót lích chích, mũi nghe mùi mực in, mùi giấy mới thơm tho, da nghe gió mát miên man, hoặc tối nghe mưa rơi tí tách trên mái tôn [I, 78].

       Bên cạnh những từ láy toàn dân, Nguyễn Nhật Ánh còn dùng những từ láy rất lạ, đặc hữu địa phương; đó là những từ láy đôi như lềnh khênh, rác rến, lằm bằm, sừng sực, lỏng le, lủ khủ, nháy nhổm, lơn tơn, rôm rốp, lụp bụp, lệt xệt,…; những từ láy tư: đỏ lơ đỏ lưởng, lỏng le lỏng lét, cà lăm cà lơ, v.v.. Chẳng hạn: (28)…Mà chữ là nguyên liệu chẳng phải bỏ tiền ra mua. Chữ lềnh khênh trong các cuốn sách, ngổn ngang trên các trang báo, lấp lánh trên các trang web… [I, 195]. (29) Sức quyến rũ của siêu thị lớn đến mức một người phụ nữ bước chân vào với ý định chỉ mua một cuộn chỉ thì thế nào cũng trở ra với một đống quần áo lủ khủ trên tay [I, 74]. (30) Tôi còn nhỏ, lúc đổ nếp lên thân lá rồi rải đậu xanh lên không có gì trở ngại nhưng đến khi ốp lá rồi cột dây, không sớm thì muộn đòn bánh của tôi nếu không bung ra thì cũng lỏng le lỏng lét trông như đứa bé mặc quần của người lớn [III, 29].

      Các từ láy lềnh khênh, ngổn ngang, lấp lánh ở ví dụ (28) thì từ lềnh khênh không có từ tiếng Việt tương ứng. Lềnh khênh có tính tượng hình rất cao, chỉ sự cồng kềnh, chiếm nhiều chỗ. Trong câu văn trên, chữ lềnh khênh trong các cuốn sách có nghĩa rất nhiều chữ trong các cuốn sách. Ở ví dụ (29), từ láy lủ khủ không có dạng thức từ toàn dân tương ứng. Lủ khủ có nghĩa là nhiều một cách bề bộn. Còn ở ví dụ (30), từ láy tư lỏng le lỏng lét có nghĩa nhấn mạnh, là rất lỏng.

2.4. Sự tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật tạp văn của Nguyễn Nhật Ánh là thuộc lĩnh vực ngôn từ. Hành văn, cách dùng từ của anh có một lối đi riêng, giản dị mà thâm trầm, hồn nhiên nhưng rất hóm hỉnh. Để hổi tưởng quá khứ tuổi thơ, để trần thuật sư việc, sự tình, sự kiện, có khi Nguyễn Nhật Ánh chủ yếu dùng từ hội thoại, có khi dùng từ Hán Việt, có khi dùng từ láy, dùng từ ghép nhưng có khi, nhà văn dùng kết hợp các lớp từ hết sức hợp lí và tài tình. Chẳng hạn, khi giới thiệu về món đặc sản mì Quảng, vấn đề được bàn cãi nhiều nhất là cách nấu món ăn này. Mỗi người đều đưa ra những cách chế biến mì Quảng khác nhau và ai cũng cho cách nấu của mình là đúng công thức nhất: (31) Giả dụ bây giờ mở một cuộc thi nấu mì Quảng thế nào cho đúng, chắc chắn thí sinh sẽ ẩu đả với thí sinh, giám khảo sẽ cãi nhau chí choé đỏ mặt tía tai chứ chẳng chơi [I, 63].

       Giọng văn trang nghiêm pha chút hài hước của Nguyễn Nhật Ánh được thể hiện trong các từ Hán Việt giả dụ, thí sinh, ẩu đả, giám khảo cùng với các từ hội thoại chí choé, đỏ mặt, tía tai. Sư hô ứng của các từ trong câu văn giúp người đọc nhận thấy tác giả rất trân trọng món thổ sản mì Quảng.  

      Trong nhiều bài tạp văn, Nguyễn Nhật Ánh thường làm nhoè hiện tại và quá khứ bằng những quan sát hết sức cụ thể, tinh tế ở thời hiện tại rồi cho chúng trôi theo ý nghĩ miên man của mình: (32) Như mới đây, khi tình cờ nhìn thấy một người chở thùng bánh tai heo trên yên xe máy chỗ ngã sáu Chợ Lớn giữa một chiều mưa bụi, tôi sung sướng ngắm chiếc thùng kiếng hình chữ nhật với cái nẹp bằng nhuôm ở các cạnh thùng chứa lổn nhổn thứ bánh tưởng chỉ còn trong tâm tưởng, và bất giác nhận ra mình đang hân hoan nhấn ga đuổi theo chiếc xe một quảng dài, giống như đứa trẻ mải mê đuổi theo cánh diều, để rồi ngẩn ngơ khi chiếc xe mất hút sau một góc phố đông người [III, 18]. Ở câu văn này, Nguyễn Nhật Ánh đã sử dụng kết hợp hai lớp từ cơ bản trong tiếng Việt; đó là từ láy gồm sung sướng, lổn nhổn, hân hoan, mải mê, ngẩn ngơ và từ ghép gồm tình cờ, bánh tai heo, xe máy, ngã sáu, mưa bụi, hình chữ nhật, tâm tưởng, bất giác, đứa trẻ, góc phố. Nếu nhìn từ mỗi lớp từ, các từ ghép có vai trò miêu tả sự vật, hiện tượng, còn các từ láy nghiêng về miêu tả tâm trạng của người viết, nhưng trong câu văn chúng kết hợp với nhau để làm cho câu văn lung linh, huyền ảo giữa hai bờ hư thực.

       Khá nhiều trường hợp, Nguyễn Nhật Ánh sử dụng kết hợp nhiều lớp từ trong một câu văn, đoạn văn. Các lớp từ này, khi đứng cạnh nhau, chúng bổ sung cho nhau để phát huy tối đa hiệu quả thẩm mỹ. Chẳng hạn, nhận xét cuộc sống của những người Quảng xa quê, Nguyễn Nhật Ánh viết: (33) Từ xưa, Quảng Nam đã là một trong những địa phương có con dân đi lưu lạc nhiều nhất nước. Vì vậy nỗi hoài nhớ quê hương trong lòng người Quảng Nam xa xứ dằng dặc và rất sâu đậm. Vào Sài Gòn, đa số người Quảng Nam tha hương sống quần tụ tại làng dệt Bảy Hiền. Để gần gũi nương tựa và giúp đỡ nhau là một lẽ. Lẽ khác, để thoả mãn cái nhu cầu sâu xa về mặt tinh thần: được sinh hoạt, chung đụng giữa một cộng đồng thân thuộc. Làng dệt Bảy Hiền tồn tại như một đặc khu, chỉ có đó mới có bán cái bánh đúc, bánh ú, bánh tráng đỏ, mới có trái dưa gang đỏ, củ nén đỏ, cục đường bát to đùng, mới ngoảnh tới ngoảnh lui mới nghe được cái giọng Quảng đặc sệt. Lạc vào khu Bảy Hiền, có cảm giác người Quảng xa xứ đã tìm cách bê nguyên cái làng ruột thịt của mình theo. Để thoả nỗi hoài cố quận [II, 24].

       Đoạn văn trên, Nguyễn Nhật Ánh đắm chìm trong sương khói quê nhà bằng những từ Hán Việt: địa phương, lưu lạc, đa số, tha hương, quần tụ, thoả mãn, nhu cầu, tinh thần, sinh hoạt, cộng đồng, thân thuộc, tồn tại, đặc khu, cảm giác, cố quận; thể hiện cái nhìn gần gũi, gắn bó, tình yêu quê hương Quảng Nam bằng các từ khẩu ngữ như chung đụng, to đùng, ngoảnh, đặc sệt; bộc lộ nỗi nhớ quê hương đằm sâu qua các từ láy dằng dặc, gần gũi; chia sẻ với những người quê xa xứ bằng những từ ghép con dân, hoài nhớ, quê hương, sâu đậm, nương tựa, giúp đỡ, sâu xa, bánh đúc, bánh ú, bánh tráng, dưa gang, củ nén, đường bát, xa xứ, ruột thịt, nỗi hoài. Trong các từ ghép, các từ hoài nhớ, nỗi hoài làm người đọc nhớ đến thơ của anh. Ẩn dấu sau trang văn là tâm hồn nhà thơ tài hoa.

3. Kết luận

      Nguyễn Nhật Ánh là một dẫn cứ về tinh thần lao động sáng tạo, về công phu rèn luyện tay nghề để trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Cùng với lớp các nhà văn cùng thời như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Đặng Thân, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư,… Nguyễn Nhật Ánh đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn học thiếu nhi và tuổi mới lớn, khẳng định được vị trí của mình trong văn xuôi đương đại Việt Nam. Xét riêng thể loại tạp văn, Nguyễn Nhật Ánh cũng đã khẳng định tài năng qua cách sử dụng vốn từ vựng tiếng Việt để tạo nên lời văn kể chuyện duyên dáng và giàu chất thơ trong Người Quảng đi ăn mì Quảng, Sương khói quê nhàThương nhớ Trà Long. Các lớp từ hội thoại, từ Hán Việt (phân loại theo phong cách), từ láy và từ ghép (phân loại theo cấu tạo), qua cách dùng của Nguyễn Nhật Ánh đã phát huy tối đa hiệu quả thẩm mĩ trong các bài tạp văn. Cố nhiên, trong bốn lớp từ được sử dụng phổ biến, lớp từ hội thoại và từ láy là đặc sắc nhất. Các từ hội thoại và từ láy trong tạp văn Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành những mã thẩm mĩ có sức khơi gợi sự đồng cảm, ám ảnh người đọc.

       

                               TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đỗ Hữu Châu (1990), “Những luận điểm về cách tiếp cận ngôn ngữ học các sự kiện văn học”, Ngôn ngữ, số 2, 8-11.

2. Hoàng Văn Hành (1985), Từ láy trong tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, H.

3. Đinh Trọng Lạc (1995), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H.

4. Huỳnh Như Phương, “Tạp văn Nguyễn Nhật Ánh”, Thể thao và Văn hoá, số ra ngày 31.08.2012.

5. Đào Thản (1989), “Một vài đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật trong văn xuôi tiếng Việt”, Ngôn ngữ, số phụ, 60-68.

 

                                         TƯ LIỆU KHẢO SÁT

I. Nguyễn Nhật Ánh, Người Quảng đi ăn mì Quảng, Nxb Hội nhà văn, H. 2005.

II. Nguyễn Nhật Ánh, Sương khói quê nhà, Nxb Hội nhà văn, H. 2014.

III. Nguyễn Nhật Ánh, Thương nhớ Trà Long, Nxb Hội nhà văn, H. 2014.

 

        TT. Đọc tạp văn Nguyễn Nhật Ánh, dễ nhận thấy nhà văn sử dụng tiếng Việt tinh tế và trong sáng. Ngôn từ trong tạp văn của ông trong sáng như nó vốn có, như lời ăn tiếng nói hàng ngày, không lên gân, không màu mè son phấn, làm dáng phô trương. Làm nên nét riêng ngôn ngữ tạp văn Nguyễn Nhật Ánh là giọng văn thủ thỉ tâm tình nhưng đằm thắm và giàu tính nhân văn, dẫn dụ người đọc đi vào từng miền sâu thẳm của kí ức, từng tầng vỉa những vấn đề thực tại của đời sống.       

 

SUMMARY

The beauty of language in Nguyen Nhat Anh’s essays

          As reading Nguyen Nhat Anh’s essays, it is easy to see that the author uses Vietnamese subtle and pure. The language in his essays is such natural as it is, as daily communicated language which is not exaggerated, uncolored or flaunty. That makes an unique language in Nguyen Nhat Anh’s essays is a sentimental but fervid and humane voice which can guide readers enter in both deep areas in one’s memories and every aspects in real life issues.