Thuở
ban đầu, khoa chỉ là ban Văn - Sử gồm 9 cán bộ do thầy Lê Hoài Nam làm trưởng
ban; trong đó có 6 cán bộ giảng dạy văn học, được thành lập cùng ban Toán - Lý
để làm nòng cốt cho Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh đóng ngay tại trung tâm
thành phố Vinh, trái tim của quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh. Năm học 1961- 1962,
Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh chính thức mang tên Trường Đại học Sư phạm Vinh;
theo đó, ban Văn – Sử cũng chuyển thành khoa Văn và bước vào một giai đoạn phát
triển mới, với số lượng cán bộ được bổ sung không ngừng và quy mô đào tạo ngày
càng mở rộng.
Thời
kỳ xây dựng và phát triển trong điều kiện hòa bình của khoa Văn nói riêng, trường
Đại học Sư phạm Vinh nói chung quá ngắn ngủi. Năm 1964, khi đế quốc Mỹ đem bom
đạn tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, thầy trò khoa Văn cùng với cán bộ,
sinh viên toàn trường bước vào một cuộc “trường chinh” gian khổ: cõng sách trên
vai, sơ tán đến những vùng quê còn tương đối an toàn của miền Thanh Nghệ, tự dựng
nhà, dựng lán, tích cực tăng gia cải thiện đời sống để tiếp tục sự nghiệp đào tạo.
Từ 1965 đến 1972, khoa Văn đã lần lượt đóng “đại bản doanh” tại 8 địa điểm thuộc
8 huyện: Nghi Lộc (1965), Thanh Chương (1965), Hà Trung (1966), Vĩnh Lộc (1966),
Thạch Thành (1967 - 1969), Hoằng Hoá (1969), Quỳnh Lưu (1969 - 1972), Yên Thành
(1972). 8 năm sơ tán là 8 năm đầy thử thách đối với thầy trò khoa Văn. Vượt lên
bom đạn, vượt lên điều kiện sinh hoạt cực kỳ kham khổ, vượt lên tình trạng thiếu
thốn tài liệu giảng dạy và học tập, khoa Sư phạm Ngữ Văn không chỉ đảm bảo mà
còn luôn nâng cao chất lượng đào tạo. Những ý tưởng sáng tạo vẫn nảy nở, những
Hội nghị, Hội thảo khoa học vẫn được tổ chức thường xuyên, gây tiếng vang rộng
rãi trên phạm vi các trường đại học toàn miền Bắc. Những buổi sinh hoạt văn nghệ,
hát, hò, diễn kịch, những buổi đón tiếp các nhà văn nhà thơ nổi tiếng về nói
chuyện luôn tạo được không khí lạc quan, có sức động viên tinh thần rất lớn đối
với cả thầy lẫn trò. Cũng trong những ngày lửa bỏng này, nhiều sinh viên khoa
ta đã lên đường vào Nam
chiến đấu. Có 8 đồng chí đã anh dũng hy sinh, để lại biết bao thương tiếc lẫn
niềm tự hào.
Năm
1973, khi Hiệp định Paris về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, thầy
trò khoa Văn cùng với cán bộ, sinh viên toàn trường lại trở về Vinh, “đắp móng
xây nhà” tạo dựng cơ sở mới trên khu đất trống trơn chỉ có cát bay gió cuốn,
quyết thực hiện một cuộc bứt phá mạnh mẽ. Rồi đất nước thống nhất, rất nhiều
cán bộ và hàng trăm sinh viên khoa ta vừa tốt nghiệp đã hăng hái vào miền Nam
công tác, tăng cường lực lượng cho đội ngũ cán bộ giáo dục và đào tạo vốn còn rất
mỏng khi ấy. Khí thế lên đường trong những ngày đó thật rộn rực, không kém gì
khí thế lên đường thời chống Mỹ. Chẳng ai ngần ngại khi được phân công về những
vùng xa xôi nhất, khó khăn nhất như Cà Mau, Côn Đảo, Phú Quốc, Kiên Giang, Tây
Ninh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum… Đến đâu, cán bộ và sinh viên khoa ta
cũng trở thành những thành phần cốt cán, đóng góp rất nghiều cho sự nghiệp giáo
dục và đào tạo của địa phương, nâng cao không ngừng uy tín của “trường Vinh”, của
“khoa Văn trường Vinh”.
Từ
cuối thập kỷ 70 đến nửa đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đất nước phải vật mình
trong cơn khủng hoảng. Với nhận thức chính trị kiên định, với tinh thần đoàn kết,
tương trợ lẫn nhau, cán bộ và sinh viên khoa Văn vẫn vượt lên để dạy tốt học tốt,
để không thẹn với truyền thống tốt đẹp đã có.
Phong
trào Đổi mới được phát động từ Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986) đã tác động cực
kỳ sâu sắc tới toàn xã hội. Cùng với nhà trường, khoa Ngữ văn từng bước đổi mới
để đạt được những thành tựu quan trọng. Chỉ tiêu tuyển sinh tăng dần. Cán bộ nối
nhau đi làm NCS trong nước, ngoài nước. Bên cạnh đào tạo đại học, khoa đảm nhiệm
cả việc đào tạo sau đại học. Theo chủ trương phát triển đa hệ, đa ngành của trường,
năm 1996, khoa liên kết với khoa Văn và khoa Báo chí Đại học Khoa học Xã hội
& Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội mở các lớp cử nhân Báo chí và Văn học,
sau đó mở thêm lớp cử nhân Ngôn ngữ. Năm 1998, khoa nhận thêm nhiệm vụ đào tạo
cử nhân khoa học chính qui, cử nhân khoa học tại chức. Bên cạnh các mã ngành
đào tạo tiến sĩ Ngôn ngữ, thạc sĩ Ngôn ngữ và Lý luận văn học, đầu năm 2004 Bộ
Giáo dục và Đào tạo cho phép khoa đào tạo Thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam. Năm 2009
bắt đầu đào tạo thạc sĩ ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Văn và tiếng
Việt. Năm 2012, ngành đào tạo tiến sĩ Văn học Việt Nam tuyển sinh khóa đầu.
Bắt
đầu từ năm 2013, khoa Ngữ văn được đổi tên là khoa Sư phạm Ngữ văn, xác định
nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo cử nhân sư phạm chất lượng cao. Khoa cũng đã mở
thêm ngành đào tạo cử nhân Báo chí, thể hiện sự đáp ứng nhanh nhạy và tích cực
đối với những yêu cầu mới của xã hội, của thời đại bùng nổ hoạt động thông tin
– truyền thông. Hiện tại, khoa Sư phạm Ngữ văn thuộc số những khoa có đội ngũ
cán bộ khoa học mạnh, số lượng sinh viên, học viên cao học, NCS theo học khá ổn
định và luôn đảm bảo chất lượng. Cán bộ trong khoa luôn nêu cao tinh thần đoàn
kết, ứng xử với nhau rất tình cảm, nhân ái; giữa các thế hệ luôn có sự chia sẻ,
đồng cảm, tin cậy. Với nền tảng đó, khoa Sư phạm Ngữ văn thực sự trở thành chốn
đi về gần gũi của cán bộ, sinh viên, học viên cao học, NCS; là địa chỉ tin cậy
để nhiều cơ sở khoa học, giáo dục và đào tạo trong và ngoài tỉnh, nhiều nhà
giáo, nhà nghiên cứu, nhiều văn nghệ sĩ… trong cả nước sẵn sàng phối hợp hoạt động.
Nhìn
lại chặng đường 57 năm qua, các thế hệ cán bộ và sinh viên khoa Sư phạm Ngữ
văn có quyền tự hào về những gì ta đã làm được. Khoa Sư phạm Ngữ Văn đã đứng vững
trước mọi thử thách do chiến tranh, do cơ chế, do điều kiện thiên nhiên khắc
nghiệt… gây nên; đã khẳng định được uy tín đào tạo và nghiên cứu khoa học rất
cao của mình trong hệ thống các khoa Ngữ văn, khoa Khoa học Xã hội của các trường
đại học trong cả nước. Khoa Sư phạm Ngữ Văn đã góp phần đào tạo cho đất nước
trên 11.6000 sinh viên các hệ sư phạm, cử nhân khoa học (cả chính qui và tại
chức), 1.249 thạc sĩ, 21 tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ giảng của khoa hiện có 29 người,
với 5 PGS.TS, 9 TS, 14 ThS và 1 CN, đảm nhiệm một khối lượng công việc lớn, từ
đào tạo đến nghiên cứu khoa học. Noi theo tấm gương sáng của các bậc thầy từng
vang danh trong giới khoa học và giáo dục, đào tạo nước nhà như thầy Lê Hoài
Nam, thầy Huỳnh Lý, thầy Nguyễn Gia Phương, thầy Nguyễn Khắc Phi, thầy Lê Bá
Hán, thầy Phùng Văn Tửu, thầy Nguyễn Đăng Mạnh, thầy Nguyễn Duy Bình, thầy Trần
Duy Châu, thầy Cù Đình Tú, thầy Nguyễn Nguyên Trứ, thầy Trần Gia Linh, thầy
Nguyễn Văn Giai, thầy Lương Duy Thứ, thầy Hoàng Tiến Tựu, thầy Trần Đình Sử, thầy
Nguyễn Quang Hồng, thầy Phan Thiều,… các thế hệ tiếp nối đã thực sự tự khẳng định
về mặt khoa học và mặt đào tạo. Không ít sinh viên của khoa khi ra trường rất
thành đạt, có người nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong Đảng, trong chính quyền
hoặc giữ cương vị lãnh đạo tại các Sở ở nhiều tỉnh thành. Từ bấy đến nay, khoa
đã tổ chức thành công hơn 20 hội thảo cấp vùng và cấp quốc gia, xuất bản nhiều
công trình tập thể, nhiều kỷ yếu hội thảo, tuyển tập công trình nghiên cứu khoa
học. Các cán bộ của khoa đã biên soạn và xuất bản hàng chục chuyên luận, giáo
trình, tài liệu tham khảo, hoàn thành hàng chục đề tài cấp bộ, cấp tỉnh, hàng
trăm đề tài cấp trường. Công đoàn khoa luôn hoạt động có hiệu quả, thường
xuyên động viên thăm hỏi anh em để khoa thực sự thành tổ ấm của mọi người. Bằng
kinh phí tự túc, khoa đã tổ chức được 4 chuyến tham quan nước ngoài và nhiều
chuyến du lịch trong nước. Những thành tích nổi bật ấy đã được ghi nhận qua những
phần thưởng cao quý mà khoa được tặng thưởng: Bằng khen Bộ trưởng, bằng khen của
Hội liên hiệp khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bằng khen Trung ương đoàn, Bằng
khen tổng liên đoàn lao động, Bằng khen Thủ tướng, Huân chương lao động hạng
ba… Nhiều cán bộ trong khoa cũng đã nhận được Huân chương lao động hạng ba, các
bằng khen của Thủ tướng, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đặc biệt là danh hiệu
Nhà giáo ưu tú...
Hiện
nay, trong vận hội phát triển mới của Việt Nam thời đại toàn cầu hóa, trường
Đại học Vinh nói chung, khoa Sư phạm Ngữ văn nói riêng đang đứng trước nhiều cơ
hội và cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Thuận lợi của khoa là có bề dày
truyền thống đáng nể, hiện có một đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, tâm huyết với
nghề và đang sung sức, lại được sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả
của các cấp uỷ Đảng và chính quyền… Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức cũng
không hề nhỏ: đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội ngày càng
khắt khe; giữa sự phát triển về số lượng và yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo
luôn có sự mâu thuẫn; sinh viên ngành Văn thường gặp khó khăn trong tìm kiếm
việc làm; sự cạnh tranh để phát triển giữa các trường đại học đang dần bộc lộ
như một tất yếu…
Chặng đường sắp tới, mỗi cán bộ và
sinh viên khoa Sư phạm Ngữ văn phải nhận thức được một cách sâu sắc về sứ mệnh,
vai trò và nhiệm vụ của khoa trong bối cảnh đổi mới toàn diện và triệt để nền
giáo dục Việt Nam
đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đất nước thời hội nhập. Thầy trò phải tiếp tục thực
hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và
các cuộc vận động lớn của ngành; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, dân
chủ trong khoa, có những giải pháp phù hợp để giữ vững và phát triển sự nghiệp
đào tạo; kết hợp chặt chẽ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học; thực hiện
thành công việc chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo tín chỉ; tiếp
tục chăm lo công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ, quan tâm đến tư tưởng, đến đời
sống vật chất và tinh thần của sinh viên…