Với vị trí là một sinh viên báo chí năm thứ 3, tôi xin được chia sẻ quá trình học tập rèn luyện cũng như một số kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp cộng tác với các cơ quan báo chí.

I. Học gì khi bạn là sinh viên báo chí?

Với tình hình báo chí hiện nay nhiều ý kiến cho rằng người không được đào tạo báo chí nhưng vẫn làm nghề tốt. Điều đó không sai. Nhưng, sinh viên báo chí, được đào tạo bài bản về kỹ năng, nghiệp vụ mà một nhà báo "tay ngang" khó có thể đáp ứng nhanh.

Hiện nay, báo chí có 4 mảng là báo in (báo giấy), báo mạng, truyền hình, phát thanh... Loại hình báo nào cũng phản ánh phong phú các vấn đề của xã hội. Ngoài loại hình báo chí, nghề báo còn đa dạng ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Từ một phóng viên kinh tế, một bình luận viên bóng đá cho tới một người dẫn chương trình cho các chương trình giải trí,v.v...Vì thế khi học tập ở môi trường Báo chí của Đại học Vinh các bạn sẽ được đào tạo theo mô hình báo chí đa phương tiện, có kiến thức cơ bản về 4 loại hình báo chí; có khả năng chuyên sâu về 1 trong 4 loại hình đó. Ngoài ra, các bạn còn được rèn luyện các kĩ năng nghề nghiệp báo chí như: Tiếp nhận, khai thác, xử lý tư liệu – hồ sơ các vụ việc; soạn thảo lưu loát các văn bản trong lĩnh vực truyền thông; viết được một số thể loại báo chí chủ yếu, trong đó có tin, bài phản ánh, phóng sự, phỏng vấn, chính luận. Các bạn còn được phát huy các khả năng thuyết trình, dẫn chương trình, thiết kế, trình bày, lên trang báo – tạp chí; sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật: máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm; có cái nhìn tổng quan chi tiết về cách thức tổ chức, làm việc của một cơ quan báo chí; được thực hành tác nghiệp và có cơ hội thể hiện mình trước đám đông, nâng cao các kỹ năng mềm qua việc tham gia các hoạt động sôi nổi, năng động, các bài tập thực hành chuyên môn tại lớp. Với các bài tập thực hành, các bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm với bên ngoài, học cách nhìn nhận, quan sát về con người, cuộc sống, từ đó mang lại những trải nghiệm quý giá cho bản thân. Ngành Báo chí có rất nhiều môn học đòi hỏi tính tập thể, vì thế đây là cơ hội tốt để bạn nâng cao kĩ năng làm việc nhóm của mình. Báo chí vốn là một ngành khó đối với sinh viên, đòi hỏi rất nhiều kĩ năng. Tuy vậy, khi đã được tôi luyện ở môi trường giảng dạy chuyên nghiệp, chắc chắn khả năng của bạn sẽ được phát triển rất nhanh. Chỉ cần có một chút "vốn liếng", bạn đã có thể viết được những bài tin, bài phỏng vấn để gửi đến các báo và kiếm thêm thu nhập cho bản thân. Các bạn nên nhớ, các tòa soạn Báo chí ở nước ta luôn rất chào đón "bài, vở" từ các cộng tác viên, chỉ cần cố gắng và nỗ lực, chắc chắn bản thân bạn sẽ tự kiếm cho mình một số tiền không hề nhỏ, và điều quan trọng hơn, bạn có có cơ hội để trưởng thành và khẳng định mình.

Qua quá trình học tập rèn luyện và sinh hoạt tại nghành Báo chí khoa SPNV trường đại học Vinh, các lớp báo chí chúng tôi bên cạnh việc học kiến thức ở lớp đã được tạo điều kiện đến tham quan và giao lưu trực tiếp mô hình tòa soạn hội tụ tại báo Nghệ An, được đi thực tế chụp ảnh ở các khu du lịch nổi tiếng của Nghệ An như đồi hoa hướng dương, tham dự các cuộc thi rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp để nâng cao khả năng chuyên môn nghiệp vụ, có cơ hội gặp gỡ nói chuyện và học hỏi với các nhà báo nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, tự tham gia tổ chức biên tập cho tờ nội san báo chí của khoa, viedeo giới thiệu nghành học, thực hành phỏng vấn với nhiều chủ đề thú vị và ở nhiều vai trò khác nhau,….

Cho đến nay, các lớp báo chí đã bước đầu gặt hái được một số thành quả nho nhỏ. Số lượng bài báo được đăng tải ngày càng nhiều cả báo mạng điện tử lẫn báo in như bạn Tuấn Anh với hơn 30 bài viết, Nguyệt Tú với hơn 20 bài viết, được xuất bản. Gần đây nhât, cuộc thi “đèn đom đóm” của báo điện tử Vn express đã thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều bạn sinh viên, với nhiều tác phẩm được chọn để trao học bổng như của bạn Linh Trang, Mai Dung, Tuấn Anh,…. và trở thành CTV của các báo. Ngoài ra, chúng tôi đã xuất bản thành công 2 số nội san báo chí đầu tiên, với các bài viết hoàn toàn là tự các bạn sinh viên khai thác, thực hiện thành công video giới thiệu ngành trong thời gian ngắn, tổ chức thành công cuộc thi rèn nghề hàng năm, thực hiện được nhiều phóng sự ảnh báo chí có giá trị,… Những thành quả bước đầu đó là minh chứng cho một môi trường đào tạo đáng tin cậy của ngành Báo chí, khoa SP Ngữ văn, là nơi khởi nghiệp cho tuổi trẻ.

II. Một vài chia sẻ về kinh nghiệm và phương pháp học tập

1. Viết và viết liên tục – tích lũy kinh nghiệm

Hãy khai thác mọi đề tài gần gũi quen thuôc, xung quanh cuộc sống của bạn. Đừng suy nghĩ quá nhiều về việc đề tài này không đủ sức nặng mà hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhất. Nắm bắt, nhìn nhận sự việc một cách nhanh chóng và nên nhớ phải đi trước.             Ví dụ, vào ngày 20/10 vừa qua, xung quanh các trường đại học, sinh viên bán hoa rất nhộn nhịp nhằm nhiều mục đích khác nhau như quyên góp từ thiện, kiếm thêm thu nhập,….đây hoàn toàn là một đề tài chúng ta có thể khai thác và viết bài cộng tác.

Bài thứ nhất, thứ 2, thứ 3,….có thể không được đăng nhưng đừng nản chí hãy kiên trì, đến bài thứ 9 thứ 10 nhất định sẽ có những chuyển biến tích cực. Như bản thân tôi, trước đây lúc bắt đầu gửi bài cộng tác cho báo Nghệ An, viết rất nhiều và gửi cũng rất nhiều nhưng đều không được đăng. Sau đó, BBT của tòa soạn đã trực tiếp liên hệ để trao đổi, nhận xét góp ý, thậm chí gợi ý các đề tài và cách khai thác đề tài cho mình. Đó thực sự là những góp ý quý giá.

Hoặc gần gũi hơn, mỗi chương trình hoạt động của khoa của nghành chúng ta, các bạn hoàn toàn có thể viết tin bài để đẩy lên trang web chính thức và fanpage. Như chương trình chào đón tân sinh viên chẳng hạn, một tin bài về nó là điều hoàn toàn có thể. Những bài viết này, bạn sẽ không được trả nhuận bút, nhưng nó sẽ là cơ hội để trau dồi, nâng cao khả năng viết của các bạn, những nhận xét, sửa đổi từ giảng viên chuyên nghành sẽ là những kinh nghiệm rất lớn cho các bài viết sau này của bạn.

Tôi nghĩ rằng, khi đã quyết tâm theo học ngành này, thì hãy xác định rõ làm báo là một công việc nặng nhọc, vất vả, nhiều thử thách nhưng cũng đầy thú vị và hấp dẫn. Nếu đã chọn nghề, hãy kiên trì và không ngừng học hỏi, bạn sẽ sớm có những thành quả xứng đáng.

Những đứa con tinh thần của bạn, một khi đã được xuất bản, sẽ là bằng chứng sống động và thuyết phục nhất cho khả năng của bạn, có giá trị hơn mọi lời hoa mỹ hay thậm chí là cả bằng cấp.

2.Nghiêm túc học tập, không ngừng thu nhặt kiến thức.

Muốn trở thành một nhà báo thành công, bạn không chỉ phải thực hành tập viết thường xuyên, mà còn phải học hỏi trau dồi không ngừng về chuyên môn nghề nghiệp, kiến thức lẫn đạo đức. Đừng bao giờ xem nhẹ bất kì một bài học, học phần nào mà bạn nghĩ là lý thuyết, không quan trọng khi đang ngồi trên giảng đường đại học. Có thể khi đi làm, người ta sẽ không hỏi bạn: thế nào là tin? thế nào là phỏng vấn?,… nhưng những kiến thức cơ bản về cách thức viết một tin bài hay một bài phỏng vấn sẽ là nền tảng cho kỹ năng chuyên môn sau này của bạn. “Những bài báo thành công” không tự nhiên mà có, nó là thành quả có được do kinh nghiệm và rèn luyện.

3. Không ngừng đam mê

Nghe thì có vẻ rất lý thuyết và sách vở. Nhưng đây là điều cần phải có. Nhà thiết kế, nhà văn kiêm nhà đầu tư nổi danh Paul Graham đã từng có một câu nói nổi tiếng: “Muốn làm tốt việc gì đó, trước hết bạn phải yêu thích công việc đã”.

Làm sao để không chán nản, bỏ cuộc khi gửi bài cộng tác liên tục không được đăng? Làm sao để bạn thấy hứng thú với những tiết học mà tự cho là nhàm chán không cần thiết? Làm sao để không cảm thấy ngại, mệt mỏi, trong việc tác nghiệp, tìm đề tài tìm thông tin? Thì đam mê là câu trả lời cho tất cả. Luôn giữ lửa đam mê, niềm tin yêu vào ngành mà bạn đang theo học, công việc mà tương lai bạn sẽ làm. Đó sẽ là động lực, sức mạnh để vượt qua những khó khăn, áp lực, thử thách sau này.