TS. Nguyễn Hoài Nguyên

 

1. Ẩn dụ ý niệm và ẩn dụ ý niệm trong thơ

1.1. Các ngôn ngữ trên thế giới, trong quá trình phát triển đều sử dụng ẩn dụ làm công cụ để chuyển cái đã biết sang cái chưa biết, là phương thức tìm cái mới trong cái cũ. Do đó, ngôn ngữ học truyền thống xem xét ẩn dụ trên hai phương diện: a/ Là một phương thức chuyển nghĩa, đối tượng nghiên cứu của từ vựng học; b/ Là một biện pháp tu từ, đối tượng nghiên cứu của phong cách học. Thế nhưng, khi ngôn ngữ học tri nhận ra đời, quan niệm về ẩn dụ đã có sự thay đổi sâu sắc. Với cách nhìn của ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ được xem như là một phương thức tư duy giúp con người tri nhận thế giới bằng cách chuyển dịch từ một lĩnh vực ý niệm này sang một lĩnh vực ý niệm khác; từ đó, các nhà ngôn ngữ học tri nhận đưa ra một thuật ngữ mới: ẩn dụ ý niệm.

1.2. Ẩn dụ ý niệm (conceptual metaphor) là hiện tượng ý niệm hoá trong cách nhìn, cách nghĩ về thế giới và các tình cảm cơ bản của con người như vui, buồn, yêu, ghét, giận, sợ, v.v.. Khi xác định ẩn dụ ý niệm, các nhà ngôn ngữ học tri nhận đã chỉ ra cơ chế tri nhận của ẩn dụ ý niệm gồm miền Nguồn và miền Đích, là sự chiếu xạ giữa một miền Nguồn cụ thể hơn và vật chất hơn lên một miền Đích trừu tượng hơn. Nghĩa là, một miền ý niệm Đích được hiểu nhờ vào một miền ý niệm Nguồn. Tuy nhiên, các nhà ngôn ngữ học tri nhận còn chỉ ra rằng: ẩn dụ ý niệm thường được tạo lập nên nhờ rất nhiều sự chiếu xạ, bởi chỉ một bộ phận của ý niệm Nguồn được chiếu xạ lên ý niệm Đích và chỉ một phần ý niệm đích được bao hàm trong sự chiếu xạ từ ý niệm Nguồn.

1.3. Xét về đặc tính thể loại, thơ vốn được kiến tạo chủ yếu bằng phương thức ẩn dụ, trong đó có ẩn dụ ý niệm. Sự tương tác giữa miền Nguồn và miền Đích trong việc hình thành ẩn dụ ý niệm ở đây là sự chuyển đổi năng động giữa hai phạm trù cảm xúc và lý trí để tạo ra tín hiệu thẩm mỹ. Theo Lakoff (1980), ẩn dụ ý niệm có nhiệm vụ cung cấp các suy luận hình tượng hoá cho các khái niệm trừu tượng. Mà khái niệm trừu tượng là tiền đề cho việc sáng tạo ẩn dụ ý niệm; đặc biệt, theo Nguyễn Lai: Khi cung cấp các suy luận hình tượng hoá cho khái niệm trừu tượng, chính ẩn dụ ý niệm trở thành hiện thân của sức mạnh hình tượng - một sức mạnh tạo ra nguồn cảm xúc thẩm mỹ cho thế giới thi ca [2, 5]. Như vậy, ẩn dụ ý niệm chính là một phương thức tư duy tạo ra mối liên hệ giữa sự cảm quan cụ thể và sự tri nhận trừu tượng vốn nằm trong ngôn ngữ. Ẩn dụ ý niệm chính là quá trình đào sâu và mở rộng độ tinh tế của các trường tri giác trong cách nhận thức thế giới một cách chủ động và có tính định hướng thẩm mỹ của con người [2, 9]. Trong thơ, ẩn dụ không chỉ bó hẹp ở phương thức chuyển nghĩa từ vựng mà nó mở rộng theo nhiều cung bậc tri giác. Cho nên, khi khảo sát ẩn dụ ý niệm trong thơ, chúng ta phải tập trung chỉ ra sự tạo nghĩa từ phạm trù trừu tượng sang phạm trù cụ thể.

1.4. Một trong những địa hạt được các nhà ngôn ngữ học tri nhận đặc biệt quan tâm đó là các ẩn dụ ý niệm (và hoán dụ ý niệm) đề cập đến các tình cảm cơ bản của con người. Cố nhiên, trong các tình cảm đó, tình yêu và ẩn dụ ý niệm tình yêu là có tính đặc thù. Tình yêu là cội nguồn của sự sống, là động lực để con người thêm yêu đời nhưng cũng là nguyên nhân dẫn người ta đến tận cùng đau khổ. Tất cả các cung bậc cảm xúc của tình yêu đều được ý niệm hoá thành các biểu tượng tinh thần vừa mang tính phổ quát nhân loại vừa biểu hiện tính đặc thù văn hoá.

      Theo các nhà ngôn ngữ học tri nhận, ý niệm Đích là tình yêu có chín miền ý niệm Nguồn tương ứng, tức là xác lập được chín ẩn dụ ý niệm về tình yêu thường gặp sau đây: 1. Tình yêu là sự kết nối/ràng buộc; 2. Tình yêu là sự hợp tác lao động nghệ thuật; 3. Tình yêu là cuộc hành trình; 4. Tình yêu là chất dinh dưỡng; 5. Tình yêu là sự ngây ngất; 6. Tình yêu là sự thống nhất/hoà hợp; 7. Tình yêu là sự gần gũi; 8. Tình yêu là lửa; 9. Tình yêu là cơn đói/sự khao khát [5, 95]. Mỗi ẩn dụ ý niệm là một sự chiếu xạ cho ta biết cách người bản ngữ hình thành ý niệm hay miền ý niệm đó. Để góp phần chứng tỏ những điều đã trình bày, xuống dưới, chúng tôi khảo sát ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong thơ Xuân Diệu.

2. Ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong thơ Xuân Diệu

2.1. Quan hệ chiếu xạ của ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong thơ Xuân Diệu

      Trong ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH, miền Nguồn có những yếu tố đặc trưng cụ thể như điểm gốc, người đi, đường đi, phương tiện đi, môi trường đi, đích đến,… được gán cho miền Đích là tình yêu là cái vốn dĩ hết sức trừu tượng. Có thể cụ thể hoá mô hình chiếu xạ bằng sơ đồ: sự gặp gỡ → điểm gốc, người yêu nhau → người đi; sự lựa chọn → các ngả rẽ; quá trình yêu nhau → đường đi, phương tiện đi, môi trường đi, khó khăn, trở ngại; đích của tình yêu → đích đến.

      Nói đến Xuân Diệu, người ta thường chú ý mảng thơ gây ấn tượng nhất, đó là thơ tình. Trong toàn bộ sáng tác của Xuân Diệu, tình yêu chiếm một vị trí đặc biệt. Xuân Diệu cũng là người đầu tiên mang đến những quan niệm hiện đại sâu sắc về tình yêu. Vì Xuân Diệu chủ trương: Sống toàn thân và thức nhọn giác quan/ Và thức cả trong giấc nồng phải ngủ (Thanh niên) nên thơ tình Xuân Diệu ôm chứa cả cuộc sống rộng lớn; qua tình yêu lứa đôi thấy cả tình đời, thấy cả niềm khát sống. Xuân Diệu luôn sống hết mình, mở rộng mọi giác quan để thu nhận, đón nhận và tận hưởng hương sắc của đời. Xuân Diệu luôn chạy theo cảm xúc, ghi lại những rung động thoáng hiện, nắm bắt nhanh những phút loé sáng bằng những câu chữ xuất thần và diễn tả đúng cảm xúc - một dạng cảm xúc in đậm dấu ấn Xuân Diệu. Có thể nói thơ tình Xuân Diệu như cây đàn muôn điệu, có đủ các cung bậc, các sắc điệu mà âm chủ là ngọt ngào, đắm say, nồng nàn. Điều đó được chứng tỏ khi Xuân Diệu coi tình yêu là một cuộc hành trình với nhiều sắc thái cảm xúc và nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Đọc thơ tình Xuân Diệu, chúng tôi nhận thấy ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH về cơ bản được nhận thức qua các ý niệm cụ thể sau: 1/ Khởi phát của tình yêu là phút ban đầu gặp gỡ; 2/ Tình yêu là hành trình sóng bước bên nhau; 3/ Tình yêu là cuộc hành trình qua nhiều ghềnh thác; 4/ Tình yêu là hành trình nhiều ngả rẽ; 5/ Tình yêu là cuộc hành trình đồng điệu và thấu hiểu; 6/ Đích đến của tình yêu là luôn có nhau trong đời. Các ý niệm cụ thể về tình yêu này hoàn toàn phù hợp với lẽ sống khát khao giao cảm với đời cũng như sự tinh tế trải nghiệm của Xuân Diệu.

2.2. Các biểu hiện ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong thơ Xuân Diệu

2.2.1. Khởi phát của tình yêu là phút ban đầu gặp gỡ

      Thực tế cho thấy, cuộc hành trình là có người đi, dĩ nhiên có điểm xuất phát, điểm đi, do đó, biểu hiện trước nhất của ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNHcái phút ban đầu lưu luyến ấy, tức là ý niệm khởi phát của tình yêu là phút ban đầu gặp gỡ. Trong thơ Xuân Diệu, ý niệm tình yêu là sự gặp gỡ ban đầu được thể hiện bằng các biểu thức ngôn ngữ:

       (1)         Gặp em, em gặp mấy lần

 Tưởng quen mà lạ, tưởng gần mà xa                           (Hỏi)     

       (2)  Một phút gặp thôi là muôn phút nhớ

      Vài giây trông khơi mới vạn ngày theo                          (Yêu mến)

(3)    Từ lúc yêu em sau buổi gặp đầu tiên

 Anh về đã tạc hình ảnh của em trên nền thương nhớ (Bức tượng)

       (4)         Uống xong lại khát là tình

        Gặp rồi lại nhớ là mình của ta (Uống xong lại khát)

       Qua các ví dụ trên, có thể thấy rằng, ý niệm tình yêu là phút ban đầu gặp gỡ làm nổi bật lên những phương diện về sự ước ao có được tình yêu và về những hệ quả của tình yêu sau phút gặp gỡ ban đầu. Miền Nguồn với các tình huống quen mà lạ, gần mà xa sau mấy lần gặp nhau (ví dụ 1), muôn phút nhớ sau một phút gặp (ví dụ 2), yêu em và tạc hình ảnh của em sau buổi gặp đầu tiên (ví dụ 3), luôn khao khát gặp lại nhau (ví dụ 4) là những biểu hiện rất cụ thể làm nổi rõ miền Đích là nỗi khát khao tình yêu và tâm trạng xao xuyến của những người chớm yêu.

2.2.2. Tình yêu là hành trình sóng bước bên nhau

        Ý niệm tình yêu là hành trình sóng bước bên nhau; đây là một sự chiếu xạ rất cụ thể làm sáng lên miền Đích là luôn bên nhau, mong muốn bên nhau mãi mãi, đồng tâm dựng xây cuộc sống hạnh phúc trọn đời. Các biểu đạt ngôn ngữ trong thơ Xuân Diệu thể hiện quan hệ chiếu xạ ý niệm tình yêu là hành trình sóng bước bên nhau là:

       (5) Những bước song song xéo dặm trường/ Đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương

            Họ đi tay yếu trong tay mạnh/ Nghe hát âm tình giữa gió sương     (Tình trai)

      (6) Lòng cũng quay theo trục bánh xe/ Chở người yểu điệu áo sầu che

           Hôm nay chắc ngựa dừng sau trúc/ Bên nọ chân trời chuyển gió se  (Gặp gỡ)

      (7)      Em ngồi ríu rít ở sau xe

                Em nói lòng anh mãi lắng nghe                    (Giọng nói)

(8)      Những bến tàu xe, những cửa ga

     Hãy còn níu chặt bóng đôi ta                        (Chầm chậm đừng quên)

      (9)         Hai ta dưới nước trên trời

    Con tàu rẽ sóng giữa chơi vơi hồ                     (Hồ Ritxa)

      (10)         Xa chi sông núi mà xa

    Lòng anh muốn quyện chan hoà bên em      (Từ xa bờ cỏ đường quê)

      Ở các ví dụ trên, miền Nguồn với những hình ảnh con đường trên đó đôi hồn những bước song song, tay yếu trong tay mạnh (ví dụ 5), họ Lòng cũng quay theo trục bánh xe (ví dụ 6), người con trai thì Em nói lòng anh mãi lắng nghe (ví dụ 7), họ níu chặt bóng đôi ta (ví dụ 8), rồi Hai ta dưới nước trên trời (ví dụ 9). Ở đây, tương quan giữa hai miền ý niệm Nguồn và Đích được thể hiện bằng cách sử dụng các phương diện tương đương về sự gắn bó bên nhau trong hành trình đi bằng các phương tiện: đi bộ, xe đạp, tàu hoả, tàu thuỷ và tình yêu có được là vì hai người luôn gần gũi bên nhau, mong muốn keo sơn gắn bó, khao khát có nhau trong đời. Còn ở ví dụ (10), sự tương đương giữa các phương diện của hành trình sóng bước bên nhau (miền Nguồn) và tình yêu đạt đến được (miền Đich) là nhờ thông qua sự chiếu xạ: lòng anh muốn quyện… bên em → tình yêu gắn bó. Đây là một cách tri nhận tình yêu rất riêng của Xuân Diệu: vồ vập, nồng say, mãnh liệt.

2.2.3. Tình yêu là cuộc hành trình qua nhiều ghềnh thác

      Có được tình yêu đã khó, song nuôi giữ tình yêu cho bền lâu có khi còn khó hơn, giống như hai người trong cuộc hành trình phải vượt qua núi cao vực thẳm, những bất trắc trên đường đi và liệu họ có cùng vượt qua để đi tới đích. Đó chính là ý niệm tình yêu là cuộc hành trình qua nhiều ghềnh thác, một biểu hiện của ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH. Trong thơ Xuân Diệu, ý niệm tình yêu là cuộc hành trình qua nhiều ghềnh thác được thể hiện qua những biểu đạt ngôn ngữ sau đây:

       (11)     Đôi mắt của người yêu ôi vực thẳm

                   Ôi trời xa, vầng trán của người yêu                  (Xa cách)

     (12)        Họ lạc lối giữa u sầu mờ mịt

                   Những người si theo dõi dấu chân yêu              (Yêu)

     (13)        Cuộc đời cũng đìu hiu như dặm khách

                   Mà tình yêu như quán trọ bên đường              (Chỉ ở lòng ta)

     (14)        Anh băng đường cái, anh trải cánh đồng

                   Anh qua nhà của buổi chiều rét mướt

                   Anh qua rộng rãi nhà của mùa đông

                   Hỏi một lời: em có thật yêu không?                 (Anh đến thăm em)

      Ở ví dụ (11), miền Nguồn là hình ảnh người yêu có đôi mắt vực thẳm, vầng trán như trời xa quy chiếu miền Đích là tình yêu đang còn xa cách để ẩn dụ ý niệm hoá về sự thiếu tự tin của người con trai trong tình yêu, rằng chàng trai vẫn chưa chiếm được trái tim của người mình yêu. Cách nói rất cụ thể nhưng tinh tế và rất thấm thía, đó là tiếng thở dài thất vọng của chàng trai khi chưa chiếm lĩnh được tình yêu. Ở ví dụ (12), miền Nguồn là cảnh huống Họ lạc lối giữa u sầu mờ mịt quy chiếu miền Đích là một tình yêu đầy những khó khăn, trở ngại, khổ đau mà chưa nhìn thấy đích đến. Bằng biểu đạt ngôn ngữ Họ lạc lối giữa u sầu mờ mịt, Xuân Diệu đã có một cách kết hợp từ rất độc đáo: u sầu mờ mịt. Thông thường, từ mờ mịt dùng để nói về không gian và thời gian, nhưng ở đây, Xuân Diệu dùng để diễn tả tâm trạng buồn đau bế tắc của những người đang yêu. Còn các biểu đạt ngôn ngữ: tình yêu như quán trọ bên đường (ví dụ 13), Anh băng…, trải…, qua… để Hỏi một lời: em có thật yêu không? (ví dụ 14) là cách sử dụng các phương diện tương đương về những thử thách, sự thiếu tự tin của ý niệm cuộc hành trình qua nhiều ghềnh thác.

2.2.4. Tình yêu là hành trình nhiều ngã rẽ

       Không phải tình yêu chỉ có êm đềm, ngọt ngào, thi vị mà còn có nhiều những trắc trở, chông gai, thậm chí chịu nỗi đau chi lìa. Với dự cảm Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt, Xuân Diệu có nhiều câu thơ viết về những bất trắc trong tình yêu. Chẳng hạn:

        (15) Đêm qua mưa gió lạnh lùng trời

               Anh ở em đi lạnh lẽo người                   (Hết ngày hết tháng)

       (16)      Em đi có biết cho tình

               Lòng anh vò xé tan tành vì em              (Cái dằm)

       Ở các ví dụ trên, miền Nguồn là Anh ở em đi lạnh lẽo ngườiem đi làm lòng anh vò xé tan tành ánh xạ lên miền Đích tình yêu không còn vẹn nguyên nữa. Còn những câu thơ dưới đây thể hiện nỗi cô đơn, bơ vơ của một tình yêu không được đền đáp mà thấp thoáng đằng sau là bóng dáng thi sỹ Xuân Diệu.

      (17)    Chiều goá không em lạnh lẽo sao

                Một mình anh lạc dưới thu cao              (Hết ngày hết tháng)

      (18)    Tôi là một kẻ bơ vơ

                Yêu những ái tình quạnh quẽ                   (Thở than)

       Giống như người lữ khách độc hành trên con đường heo hút, nhân vật trữ tình xưng tôi, hoặc xưng anh trong các biểu đạt ngôn từ trên thực sự cô đơn lạc dưới thu cao, một mình nhấm nháp kỉ niệm của những ái tình quạnh quẽ.

2.2.5. Tình yêu là cuộc hành trình của những đồng điệu và thấu hiểu

      Từ cách tri nhận TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH, Xuân Diệu đặc biệt chú ý đến sự thấu hiểu về nhau, sự đồng điệu về mặt tâm hồn khiến cho hai người yêu nhau luôn hướng về nhau, hoà vào nhau làm một. Ý niệm tình yêu là cuộc hành trình của những đồng điệu và thấu hiểu được thể hiện qua các biểu đạt ngôn từ như:

       (19)   Phố rộn dan tay ta rộn thêm

                Ca đời hoạ lẫn với ca em

                Hồn như đám rước, ta nao nức

                Đến lúc về qua mấy bậc thềm                                    (Em về)

       Ở khổ thơ trên, anh với em rộn ràng tay trong tay giữa phố đông nhộn nhịp. Hình ảnh so sánh hồn như đám rước diễn tả tâm trạng hoà hợp, vui tươi của hai người yêu nhau như đã chạm đến bến bờ hạnh phúc.

      (20)    Qua mấy dặm đường dài/ Hồn đôi ta như điện

                 Anh thương nhớ đầu dây/ Em đầu này xao xuyến   (Anh ra về, em dặn)

      Ở ví dụ (20), biểu thức ngôn từ Hồn đôi ta như điện là miền Nguồn chiếu xạ lên miền Đích là một tình yêu hoà nhập, đôi hồn đồng điệu và thấu hiểu.

2.2.6. Đích đến của tình yêu là luôn có nhau trong đời

      Thông thường, trong mỗi cuộc hành trình, đích đến là do người đi đã chọn. Với những người đang yêu, đích của cuộc hành trình tình yêu, dù có nhiều ghềnh thác, lắm trắc trở, dù có không ít ngả rẽ nhưng hướng đích vẫn là một tình yêu vẹn tròn để bên nhau trong đời. Ý niệm ấy đã được Xuân Diệu ẩn dụ hoá bằng hình ảnh Dép ta gần đôi lúc giẫm lên nhau giản dị mà rất tinh tế và sâu sắc trong khổ thơ dưới đây. Trên con đường rộng dài đất nước, trên con đường đời, anh với em luôn khăng khít bên nhau, hoà vào nhau làm một.

       (22)    Anh đi với em trên đất nước

                  Dép ta gần đôi lúc giẫm vào nhau

                  Khao khát rộng xa trên đà khúc hát

                  Anh ước gì đưa em tới trăng sao               (Khúc hát tình yêu và đất nước)

       (23)   Nếu hồn anh cưỡi sóng/ Anh cưỡi sóng cùng em

                 Nếu hồn anh lướt gió/ Anh lướt gió bên em             (Trên bãi biển Trà Cổ)

       (24)        Trên đường Quần Ngựa chiều kia

                 Em ơi anh muốn dựng bia ân tình

                     Khi anh qua đó một mình

                 Thấy còn in bóng in hình đôi ta                               (Kỷ niệm)

       Từ những phân tích trên đây, có thể nhận thấy ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong thơ Xuân Diệu được cụ thể hoá thành sáu ý niệm bộ phận tương ứng với điểm gốc, điểm đến, người đi, đường đi, phương tiện đi, môi trường đi,… và các ý niệm này được thể hiện qua những biểu đạt ngôn ngữ cụ thể. Cố nhiên, các mô hình chiếu xạ cùng là số lượng các biểu đạt ngôn ngữ của sáu ý niệm bộ phận là không như nhau. Cách tri nhận TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH cũng được thể hiện trong thơ tình Xuân Quỳnh. Nữ sỹ Xuân Quỳnh xác lập ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH bằng các biểu đạt ngôn từ như: Ta cùng về thành phố đêm nay/ Đi bên nhau thấy bao điều bỡ ngỡ (Thành phố lạ); Trên con đường nắng sáng ta đi/ So với tình yêu con đường ngắn quá (Em có mang theo gì đâu). Đây là quan hệ chiếu xạ giữa miền Nguồn và miền Đích thể hiện ý niệm tình yêu là hành trình sóng bước bên nhau. Các biểu thức ngôn từ như: Em đi suốt cuộc đời em/ Theo nỗi buồn anh ra biển cả (Nỗi buồn anh); Tình ta như hàng cây/ Đã qua mùa gió bão/ Tình ta như dòng sông/ Đã yên ngày thác lũ (Thơ tỉnh cuối mùa thu); Rồi sẽ có ngày/ Dưới hàng cây đây/ Ta không còn bước (Chồi biếc) là thể hiện ý niệm tình yêu là cuộc hành trình qua nhiều ghềnh thác. Còn biểu thức ngôn từ: Em muốn đi mãi mãi cùng anh/ Trên mảnh đất cuối cùng tổ quốc (Đêm trăng trên đất mũi); Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương (Sóng) là thể hiện ý niệm đích đến của tình yêu là luôn có nhau trong đời. Như vậy, so với Xuân Diệu, Xuân Quỳnh chỉ xác lập ba ý niệm bộ phận để diễn dịch ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH. Số lượng các biểu thức ngôn từ thể hiện các ý niệm bộ phận cũng ít hơn so với thơ Xuân Diệu. Điều đó chứng tỏ tư duy thơ Xuân Diệu có phần đa dạng hơn, rộng mở hơn, sâu sắc hơn so với Xuân Quỳnh.

        Cùng tri nhận TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH nhưng cách thể hiện của Xuân Diệu là rõ ràng, trực tiếp, mạnh mẽ, rất vồ vập; còn Xuân Quỳnh thì kín đáo, ý nhị, mềm mại, rất nữ tính. So sánh biểu thức ngôn từ thể hiện ý niệm đích đến của tình yêu là luôn có nhau trong đời, chúng ta dễ nhận thấy điều đó. Xuân Diệu thì Nếu hồn anh cưỡi sóng/ Anh cưỡi sóng cùng em/ Nếu hồn anh lướt gió/ Anh lướt gió bên em (Trên bãi biển Trà Cổ); còn Xuân Quỳnh: Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương (Sóng).

3. Kết luận

      Việc tìm hiểu giá trị thơ Xuân Diệu từ nhiều góc nhìn khác nhau, trong đó có góc nhìn ngôn ngữ học đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm nhưng xem xét một khía cạnh ngôn ngữ thơ Xuân Diệu, mà ở đây là ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH theo cách tiếp cận của ngôn ngữ học tri nhận thì bài viết này là một sự thể nghiệm. Từ những phân tích về mô hình ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH ở trên, có thể khẳng định cách tri nhận tình yêu trong thơ Xuân Diệu xuất phát từ những tri thức nền được xác lập từ cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của nhân loại nói chung, người Việt nói riêng về những tình cảm của con người, trong đó có tình yêu nam nữ. Bên cạch đó, qua sáu ý niệm cụ thể và cách tổ chức các biểu thức ngôn từ thể hiện ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH, Xuân Diệu đã bộc lộ những cách nhìn, cách cảm độc đáo, in đậm dấu ấn phong cách cá nhân, phản ánh tư duy thơ rộng mở, sâu sắc và vốn văn hoá của chủ thể sáng tạo. Điều đó góp phần lý giải việc nhiều người thích thơ Xuân Diệu, đặc biệt là mảng thơ tình.

                                          

                                       TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Trần Văn Cơ (2009), Khảo luận ẩn dụ tri nhận, Nxb Lao động - Xã hội, H.

2. Nguyễn Lai (1979), Suy nghĩ về ẩn dụ khái niệm trong thế giới thơ ca từ góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận, Ngôn ngữ, số 10, 1-10.

3. Nguyễn Hoài Nguyên (2014), Ẩn dụ ý niệm tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh, Từ điển học & Bách khoa thư, số 1, 35-40.

4. Lý Toàn Thắng (2009), Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, Nxb Phương Đông, H.

5. Lý Toàn Thắng (2011), Chiếu xạ trong các ẩn dụ ý niệm về tình cảm, Từ điển học & Bách khoa thư, số 6, 89-99.

6. Nguyễn Đức Tồn (2007), Bản chất của ẩn dụ, Ngôn ngữ, số 10, 1-9.

 

                                         TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

 

1. Xuân Diệu (2001), Toàn tập Xuân Diệu, tập 1, Nxb Văn học, H.

2. Xuân Quỳnh (2011), Không bao giờ là cuối, Nxb Hội nhà văn, H.