Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 700 tờ báo in và tạp chí, cùng hàng trăm đài phát thanh - truyền hình từ Trung ương tới địa phương. Nhiều năm trở lại đây, ngành Báo chí luôn giữ được sức hấp dẫn đối với các thí sinh. Hiện nay, chỉ một số trường đại học có uy tín mới được phép đào tạo ngành báo chí như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Vinh và vài cơ sở khác.
Theo chuẩn đầu ra do Trường Đại học Vinh đã công bố thì sinh viên vào học ngành Báo chí của Trường sẽ được đào tạo một cách cơ bản, chuyên nghiệp để khi tốt nghiệp có khả năng xin được việc làm cao và đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng với những khả năng chính như sau:
Về kĩ năng
-Có các kĩ năng nghề nghiệp báo chí như: tiếp nhận, khai thác, xử lí tư liệu - hồ sơ các vụ việc; soạn thảo văn bản trong lĩnh vực truyền thông; viết bài thuộc một số thể loại báo chí chủ yếu như tin, phóng sự, phỏng vấn, chính luận, v.v..
- Có kĩ năng cơ bản về thuyết trình, thiết kế, trình bày, lên trang báo;
- Sử dụng thành thạo các phương tiện kĩ thuật: máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, máy quét ảnh, v.v..
- Có kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm; khả năng tự học, tự nghiên cứu; khả năng thích ứng với yêu cầu nghề nghiệp và làm việc độc lập.
Về vị trí và khả năng công tác sau khi tốt nghiệp
- Đảm trách các công việc ở các cơ quan báo chí, tuyên truyền (báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình,…);
- Đảm trách các công việc trong bộ máy chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp,… có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực báo chí;
- Giảng dạy tại các trường đại học, học viện có đào tạo ngành báo chí và truyền thông.
Về khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
- Có khả năng học sau đại học ở các chuyên ngành báo chí;
- Học văn bằng hai các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
ThS. Nguyễn Quang Tuấn