TS. Nguyễn Hoài Nguyên
Phó Trưởng khoa Ngữ văn
1. Nhận thức chung
Nghiên cứu khoa học là một hình thức giáo dục ở đại học, là một khâu quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên. Nghiên cứu khoa học của sinh viên là phương pháp có hiệu quả nhất trong quá trình đào tạo ở bậc đại học. Nó giúp sinh viên phát triển tối ưu tư duy sáng tạo, bồi đắp đam mê nghiên cứu khoa học, phát triển những kỹ năng, kỹ xảo nghiên cứu khoa học của người sinh viên trong quá trình kiến tạo tri thức, từ đó, sử dụng chúng vào giải quyết một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học là cơ hội để sinh viên tự thể hiện nhân cách của mình và hình thành kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường và các khoa đào tạo.
Trong những năm gần đây, Đảng ủy bộ phận và Ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn rất quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Cùng với việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như viết các bài báo khoa học công bố trên nội san của Liên chi đoàn, thực hiện đề tài khóa luận tốt nghiệp, viết bài tham gia hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường, đăng kí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, tham gia giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) do Bộ giáo dục & đào tạo tổ chức. Việc triển khai và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên thực hiện theo những quy định hiện hành về hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ giáo dục & đào tạo.
2. Đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa Ngữ văn, năm học 2012 - 2013
2.1. Các kết quả đạt được
Ngoài việc phát hành hai số Nội san Văn học công bố những sáng tác thuộc các thể loại thơ, truyện, tản văn, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa Ngữ văn năm học 2012-2013 đã đạt được những thành tích nổi bật. Hai sinh viên khóa 50 đăng kí thực hiện đề tài cấp Trường, đó là Nguyễn Quốc Trịnh (50B1) đề tài: Những thách thức tôn giáo trong hai tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh; Nguyễn Thị Đề (50A), đề tài: Những đổi mới và cách tân ngôn ngữ thơ Việt Nam đương đại qua trường hợp Nguyễn Quang Thiều. Có 32 sinh viên đủ điều kiện làm khóa luận để kết thúc khóa học. Các đề tài khóa luận là những vấn đề có tính thời sự khoa học thuộc các chuyên ngành: Việt ngữ học có 8 đề tài; Văn học Việt Nam 1 có 2 đề tài; Văn học Việt Nam 2 có 6 đề tài; Văn học nước ngoài có 5 đề tài; Lý luận và phương pháp dạy học có 11 đề tài. Có 156 sinh viên khóa 50 hệ cử nhân thuộc ba chuyên ngành: Lý luận và phương pháp dạy học, Văn học Việt Nam hiện đại, Ngôn ngữ đã thực hiện tiểu luận chuyên ngành nhằm mục đích rèn nghề. Đặc biệt, để chuẩn bị cho Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học tổ chức vào cuối năm học, Ban tổ chức hội nghị đã nhận được 29 bài báo tham gia hội nghị, trong đó, có những sinh viên gửi nhiều báo cáo như sinh viên Nguyễn Quốc Trịnh (50B1) 5 báo cáo, sinh viên Nguyễn Tiến Lượng (50B1) ba báo cáo. Chi đoàn tham gia nhiều báo cáo nhất là 50 B1 có 13 báo cáo. Các sinh viên thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học chủ yếu là những sinh viên cuối khóa (khóa 50) nhưng năm nay đã có sinh viên năm thứ nhất (khóa 53) tham gia. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi lẽ, thực hiện nghiên cứu khoa học là hình thức học tập đạt hiệu quả cao nhất. Có 7 trên 29 báo cáo bàn về các vấn đề ngôn ngữ trong tác phẩm văn học. Đó là các báo báo: Một số thủ pháp nghệ thuật trong thơ Trần Nhuận Minh của sinh viên Nguyễn Thị Diệu Linh (50B2); Bước đầu tìm hiểu cách sử dụng thành ngữ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh của sinh viên Vũ Quang Linh (51B2); Đặc sắc nghệ thuật tiểu thuyết “Sông” của Nguyễn Ngọc Tư nhìn từ phương diện ngôn ngữ và giọng điệu của sinh viên Phạm Thị Quỳnh Hương (50A); Đặc điểm ngôn ngữ trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh của sinh viên Nguyễn Quốc Trịnh (50B1), v.v.. Có 22 báo cáo bàn sâu một số vấn đề Lí luận văn học, tác phẩm văn học, phê bình văn học. Đó là các báo cáo như Sự đan xen điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh của sinh viên Vi Thị Thạch (50A); Những cách tân nghệ thuật trong thơ Nguyễn Quang Thiều của sinh viên Trần Thị Đề (50A); Tính chất hướng nội trong tiểu thuyết của R.Tagore của sinh viên Nguyễn Quốc Trịnh (50B); Nội hàm tư tưởng thẩm mĩ trong trong hình tượng sông Đáy trong thơ Nguyễn Quang Thiều của sinh viên Nguyễn Tiến Lượng (50B1); Yếu tố phồn thực trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh của sinh viên Nguyễn Quốc Trịnh (50B1), v.v.. Cũng có những báo cáo đặt vấn đề dạy học môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông như Dạy học thơ Đường theo chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn 10 THPT của sinh viên Lê Thị Thúy (50A). Về chất lượng, nhiều báo cáo có hàm lượng khoa học cao, có những ý tưởng mới lạ, có những đóng góp mới về lí luận và thực tiễn cho văn học Việt Nam đương đại.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên chưa thường xuyên. Sinh viên chưa thực sự chủ động đề xuất các đề tài để nghiên cứu. Phạm vi nghiên cứu thường rộng, nặng tính thực tiễn. Năng lực độc lập trong nghiên cứu khoa học của sinh viên chưa được khẳng định. Các phương pháp và thao tác nghiên cứu chưa thành thạo, thậm chí còn vụng về.
2.2. Những đề xuất nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên
Từ thực trạng tình hình nghiên cứu khoa học của sinh viên trong những năm qua, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa Ngữ văn như sau:
Một là, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới đào tạo đại học. Phương pháp đào tạo thông qua nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên nắm vững phương pháp luận và vận dụng những phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể trong quá trình học tập ở trường cũng như trong thực tiễn công tác sau này.
Hai là, cần đổi mới phương pháp xác định nhiệm vụ nghiên cứu theo hướng sinh viên chủ động định hướng nội dung nghiên cứu. Nội dung nghiên cứu tập trung vào những vấn đề lí luận hoặc thực tiễn thuộc các học phần theo chương trình đào, ưu tiên khuyến khích nghiên cứu những vấn đề thuộc khoa học giáo dục, nhất là những đề tài nghiên cứu nhằm tìm kiếm những giải pháp nâng cao chất lượng tự học của sinh viên.
Ba là, tăng cường trách nhiệm và thực hiện các chế độ, chính sách khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học và động viên giảng viên hướng dẫn. Nhà trường cần quan tâm hơn nữa quyền lợi trong nghiên cứu khoa học của sinh viên. Đối với sinh viên, trong tuyển sinh đào tạo sau đại học hàng năm, nhà trường có thể chuyển tiếp những sinh viên có thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học. Sự quan tâm này sẽ là động lực to lớn để sinh viên tự giác phấn đấu toàn diện, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học. Đối với giảng viên, những giảng viên có thành tích cao trong hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, nhà trường nên có chế độ khen thưởng kịp thời và thỏa đáng.
3. Danh sách khen thưởng tập thể và cá nhân có thành tích cao trong hoạt động NCKH, năm học 2012-2013
a. Tập thể: lớp 50B1, lớp 50A
b. Cá nhân: Nguyễn Quốc Trịnh (50B1), Nguyễn Thị Đề (50A), Nguyễn Tiến Lượng (50B1), Nguyễn Thị Diệu Linh (51B2).