HỒ SỸ QUỲNH
Đại học Vinh
Trong thời đại bùng nổ thông tin, đào tạo cử nhân Báo chí đang được nhiều trường đại học, cũng như giới trẻ quan tâm. Nhưng để hội đủ điều kiện để được phép đào tạo và đào tạo có chất lượng không phải là một chuyện dễ.Trường Đại học Vinh đã âm thầm chuẩn bị và đã đủ điều kiện để mở ngành báo chí.
Nhu cầu đào tạo cử nhân báo chí là có thật
Hiện nay chúng ta đang sống trong một giai đoạn khá sôi động của lịch sử, kể cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Con người cần thông tin để sống một cách vững vàng, tin tưởng trong một thế giới đầy biến động. Ở Việt Nam, báo chí vẫn được xem như một “điểm tựa” đáng tin cậy của nhân dân. Tiếng nói của nhà báo rất có trọng lượng trong cuộc sống, vì vậy nghề báo có sức thu hút đối với giới trẻ.
Hiện nay ở Việt Nam có 4 thành phố với 5 cơ sở đào tạo ngành báo chí. Đó là Hà Nội (2 cơ sở), TP Hồ Chí Mình, Huế, Đà Nẵng (mới 3 năm). Hàng năm, các cơ sở này cho ra trường khoảng 450 cử nhân báo chí. Với một đất nước có 90 triệu dân, gần 1000 cơ quan báo chí các loại thì con số này không nhiều. Hơn nữa, trong số 17 000 nhà báo được cấp thẻ, có khoảng một nửa không có bằng chuyên ngành báo chí. Điều này dẫn đến một số hành vi không đẹp, thậm chí là phạm pháp của một số nhà báo. Tại Hội thảo “Quyền con người và báo chí” diễn ra vào ngày 24/10/2013 tại thành phố Vinh, nhiều diễn giả đã chỉ ra những khiếm khuyết của nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp như: Thiếu nghiệp vụ viết về các vấn đề tôn giáo, chạy theo thị hiếu thấp của một bộ phận độc giả, nói thêm, nói quá, dàn dựng vụ việc, thậm chí là bịa chuyện... Điều này chứng tỏ họ chưa được đào tạo bài bản, chính quy về nghề báo. Theo các chuyên gia về truyền thông, nếu được đào tạo chính quy, rất ít nhà báo phạm phải những sai lầm này.
Như vậy, trên thực tế việc đào tạo những người làm báo chuyên nghiệp đang có nhu cầu thực sự. Và xét về tổng thể, những người được đào tạo quy củ về cách làm báo chỉ mang lại lợi ích cho xã hội, làm cho xã hội trở nên minh bạch và trong sạch hơn.
Trường Đại học Vinh đã khẳng định được vị thế của mình
Rất nhiều trường đại học muốn mở ngành báo chí, nhưng không phải trường nào cũng hội đủ điều kiện. Trường Đại học Vinh đã xây dựng và phát triển hơn 50 năm, có nhiều thành tích trong việc đào tạo nguồn nhận lực cho đất nước. Đội ngũ cán bộ, công chức của Trường Đại học Vinh cơ bản đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu với 975 người, trong đó có 669 cán bộ giảng dạy và 306 cán bộ hành chính, trong đó có 55 giáo sư, phó giáo sư; 166 tiến sĩ; 422 thạc sĩ... Tuổi đời bình quân của cán bộ là 35,7. Trường Đại học Vinh hiện có gần 40.000 học sinh, sinh viên, học viên đến từ 54 tỉnh, thành trong nước và trên 300 lưu học sinh nước ngoài.
Ban Giám hiệu Trường Đại học Vinh, khoa Ngữ văn, khoa Luật đã có ý đồ mở ngành báo chí từ lâu. Họ lặng lẽ tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm của các trường ở Hà Nội, gửi người đi đào tạo sau đại học về báo chí, xây dựng chương trình...
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất chặt chẽ trong việc cấp phép mở ngành báo chí cho các trường. Một trong những điều kiện cần là trường phải có ít nhất một tiến sĩ chuyên ngành Báo chí thuộc biên chế của trường.
Vào tháng 10 năm 2013, Trường Đại học Vinh đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiến sĩ Hồ Bất Khuất từng học chuyên văn Nghệ An, du học Nga, Mỹ; bảo vệ luận án tiến sĩ tại khoa Báo chí Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov năm 1995. Trong “làng” báo Việt Nam, tiến sĩ Hồ Bất Khuất là một trong rất ít người vừa nghiên cứu lý luận, vừa tham gia giảng dạy, vừa trực tiếp làm việc tại các cơ quan báo chí; hàng tuần, hàng tháng viết bài đều đặn. Với các bút danh Hồ Bất Khuất, Nguyên Hồ, Hồ Trọng Đàm, Nghè Nghệ..., mỗi năm ông viết khoảng 150 bài báo.
Sau khi thẩm định đi, thẩm định lại hồ sơ xin mở mã ngành Báo chí của Trường Đại học Vinh, ngày 08/10/2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định số 4553/QĐ-BGDĐT giao cho Trường Đại học Vinh đào tạo thí điểm ngành Báo chí trình độ đại học hệ chính quy. Có thể nói Trường Đại học Vinh đã được lĩnh “ấn tín” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, dù nhận quyết định muộn, mùa tuyển sinh năm học 2013 – 2014 đã gần kết thúc, nhưng do đã được chuẩn bị kỹ càng nên Trường Đại học Vinh vẫn mở khóa báo chí đầu tiên, khai giảng vào ngày 10/11/2013.
Đây không chỉ là tin vui đối với Trường Đại học Vinh, mà còn là tin vui đối với các tỉnh khu vực Bắc miền Trung, vì từ nay con em họ không phải đi xa để học ngành báo chí.
Vui thì rõ rồi, nhưng ban lãnh đạo của Trường Đại học Vinh, ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn xác định đây là một trách nhiệm nặng nề: Họ phải nỗ lực rất nhiều để đào tạo được những nhà báo có tay nghề và có bản lĩnh. Điều thuận lợi là khu vực Bắc miền Trung dân đông, hiếu học, yêu sự thật, khảng khái và đầy nhiệt huyết. Đây là những phẩm chất mà những nhà báo tương lai rất cần.
Mục tiêu, chất lượng đào tạo cử nhân báo chí của Trường Đại học Vinh
Tuy là cơ sở cuối cùng trong 5 cơ sở được phép đào tạo cử nhân báo chí ở Việt Nam, nhưng Trường Đại học Vinh đưa ra yêu cầu “đầu ra” khá cao. Hơn nữa, nhà trường công bố công khai những yêu cầu này để sinh viên và mọi người biết. Cụ thể:
- Nắm vững kiến thức giáo dục đại cương theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm các nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng;
- Có kiến thức cơ bản, hệ thống về khoa học báo chí;
- Có kiến thức cơ bản về 4 loại hình báo chí: Báo in, Phát thanh, Truyền hình, Báo điện tử; biết chuyên sâu về 1 trong 4 loại hình đó; ngoài ra, còn biết cơ bản về Quan hệ công chúng & quảng cáo; Tổ chức sự kiện...
- Có kiến thức tin học tương đương trình độ B;
- Có kiến thức ngoại ngữ tương đương trình độ Bậc 3 Khung châu Âu.
- Nắm cơ bản các kĩ năng nghề nghiệp báo chí như: tiếp nhận, khai thác, xử lý tư liệu – hồ sơ các vụ việc; soạn thảo thuần thục các văn bản trong lĩnh vực truyền thông; viết được bài của một số thể loại báo chí chủ yếu như tin, phóng sự, phỏng vấn, chính luận... Ngoài ra, có kỹ năng cơ bản về thuyết trình, thiết kế, trình bày, lên trang báo.
- Sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật: máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, máy quét ảnh…;
- Kỹ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm; khả năng tự học, tự nghiên cứu; khả năng thích ứng với yêu cầu nghề nghiệp và làm việc độc lập.
- Có ý thức trách nhiệm công dân, thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn; có ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp;
- Hiểu, tuân thủ và vận dụng Luật Báo chí của Việt Nam, Những quy định về Đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam;
- Tôn trọng sự thật, có ý thức bảo tồn, giữ gìn những giá trị xã hội, nhân văn;
- Thường xuyên tu dưỡng đạo đức, có ý chí phấn đấu vươn lên trong công tác.
Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân báo chí Trường Đại học Vinh có thể:
- Đảm trách các công việc ở các cơ quan báo chí, tuyên truyền (Báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình…);
- Đảm trách các công việc trong bộ máy chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp… có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực báo chí.
- Giảng dạy các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo báo chí và truyền thông.
Hòa chung vào mục tiêu xây dựng xã hội học tập suốt đời, những người tốt nghiệp ngành báo chí Trường Đại học Vinh có khả năng tiếp tục học lên bậc trên đại học ở các chuyên ngành báo chí và học văn bằng hai các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Lớp đại học báo chí đầu tiên của Trường Đại học Vinh sẽ khai giảng vào cuối tuần này. Đây là một sự kiện không chỉ có ý nghĩa với nhà trường, mà còn có ý nghĩa đối với thành phố. Trên thế giới, thành phố nào được đào tạo cử nhân báo chí, họ đều tự hào về điều đó. Từ nay trở đi, thành phố Vinh có thể tự hào về điều này./.
|